Đừng đi tắt đến nhãn hiệu bằng con đường tác quyền

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tác quyền không phải là lối tắt cho nhãn hiệu. Đó là một ngã rẽ tưởng chừng an toàn nhưng dễ cụt đường.

Tác quyền không phải là lối tắt cho nhãn hiệu. Ảnh: TL

Pháp luật sở hữu trí tuệ từ xưa đến nay luôn tồn tại các vùng xám, nơi nhiều đối tượng quyền chồng lấn hoặc xung đột với nhau, tiêu biểu là giữa quyền tác giả với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, hay kể cả sáng chế. Sự giao thoa không thể tránh khỏi này đôi khi là một lợi thế, bởi thành quả sáng tạo có thể được bảo hộ bởi nhiều công cụ khác nhau. Nhưng mặt trái của nó cũng không hề dễ chịu, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng khi có một bên “quyết tâm” lạm dụng khoảng trống của pháp luật.

Quyền tác giả và nhãn hiệu: “đồng sàng dị mộng”

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền tác giả có lẽ là địa hạt có nội hàm rộng nhất, thậm chí dưới một vài góc độ, nó bao trùm lên tất cả đối tượng quyền khác. Ngược lại, nhãn hiệu là công cụ thuần túy thương mại, vốn được xem là chứa đựng ít yếu tố sáng tạo nhất. Chính điều này là nguyên nhân gây ra các vùng chồng lấn trong thực tiễn. Chẳng hạn, một logo trước khi đăng ký nhãn hiệu, nó hẳn phải tồn tại trên bản vẽ. Bản vẽ thiết kế đó nhiều khả năng chính là một tác phẩm được bảo hộ, nhất là khi điều kiện về mức độ sáng tạo trong quyền tác giả là vô cùng thấp.

Tại Việt Nam, gần như không có thước đo nào cho điều kiện sáng tạo để được bảo hộ tác phẩm. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã chọn một “lối rẽ” thú vị khi nhãn hiệu của họ không đăng ký được: họ chuyển sang đăng ký quyền tác giả cho chính logo đó. Nguyên nhân thường gặp là hồ sơ nhãn hiệu bị Cục Sở hữu trí tuệ từ chối vì trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu khác, hoặc dấu hiệu quá mô tả, thiếu khả năng phân biệt. Trong khi đó, thủ tục đăng ký quyền tác giả lại nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều: chỉ cần nộp bản sao tác phẩm và hầu như không trải qua thẩm định nội dung như nhãn hiệu. Một giấy chứng nhận quyền tác giả có thể được cấp trong thời gian ngắn, tạo cảm giác an tâm rằng logo đã được bảo hộ.

Thực tế cho thấy nhiều chủ thể dùng chiêu đăng ký quyền tác giả cho logo nhằm đối phó với chủ sở hữu nhãn hiệu. Nếu không chứng minh được hành vi sao chép, một logo được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả vẫn có thể cùng tồn tại song song với logo đã đăng ký nhãn hiệu, trở thành “lá chắn” trước cáo buộc xâm phạm nhãn hiệu.

Tuy nhiên, liệu giấy chứng nhận đó có thực sự thay thế được văn bằng bảo hộ nhãn hiệu? Xét tới bản chất, quyền tác giả hướng đến các đối tượng có chiều sâu nội dung về văn học, khoa học, nghệ thuật. Trong khi đó, nhãn hiệu nhằm mục đích bảo vệ chức năng thương mại. Chỉ với nhãn hiệu, khái niệm độc quyền mới trở nên rõ nét, khi mọi dấu hiệu trùng hay tương tự gây nhầm lẫn đều bị xem là xâm phạm. Nếu đối thủ cố ý sao chép ý tưởng logo, có những biến đổi nhỏ về hình thức thì công cụ quyền tác giả rất dễ bị vô hiệu hóa. Thậm chí, về mặt lý thuyết, hai tác phẩm giống hệt nhau cũng có thể được đồng thời bảo hộ, nếu có chứng cứ các tác giả hoàn toàn độc lập sáng tạo.

Ranh giới giữa quyền tác giả và nhãn hiệu

Về mặt hình thức, nhãn hiệu có thể được phân loại thành nhãn hiệu tiêu chuẩn (chỉ bao gồm các ký tự, chữ số, ở font chữ cơ bản, không có thiết kế đồ họa) và nhãn hiệu kết hợp (là nhãn hiệu tiêu chuẩn, nhưng kết hợp thêm các yếu tố phân biệt khác như màu sắc, hình ảnh). Thông thường, logo là tên gọi chung dành cho nhãn hiệu kết hợp. Sự chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu hiếm khi xảy ra đối với nhãn hiệu tiêu chuẩn, bởi nó quá đơn giản để cấu thành một tác phẩm được bảo hộ.

Ngay cả với logo kết hợp, nhiều nước phát triển đều tỏ ra hết sức thận trọng, và thường không xem một logo như vậy thỏa mãn các điều kiện bảo hộ tác phẩm. Ở Mỹ, Cục Bản quyền có tiền lệ từ chối công nhận tác phẩm đối với nhiều logo vì không thỏa mãn ngưỡng sáng tạo tối thiểu như các logo của Best Western, Car Credit City. Gần đây nhất, trong vụ kiện giữa Jim Pons và đội bóng bầu dục danh tiếng New York Jets, điều này càng được khẳng định vững chắc.

Tương tự, logo của hãng thông tấn ARD ở Đức, thiết kế bao bì của mì ly Nissin ở Nhật, hay logo Sunshow, Chaotian Temple ở Đài Loan… đều là những trường hợp tiêu biểu bị từ chối, bất chấp thiết kế của chúng đều có sự kết hợp của nhiều yếu tố đồ họa. Trong xu hướng thiết kế logo tối giản đang thời thượng hiện nay, khả năng chúng bị từ chối bảo hộ tác quyền càng trở nên lớn hơn bao giờ hết.

Quyền tác giả không phải là cánh tay nối dài

Mỗi loại quyền sở hữu trí tuệ có phạm vi riêng, không thể dùng cái này để “nối dài” cái kia. Cần làm rõ rằng, quyền tác giả ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng đều phát sinh tự động trên cơ sở hình thành tác phẩm. Đăng ký không phải là thủ tục bắt buộc, mà chỉ có ý nghĩa chứng cứ, hoặc cao hơn là cơ sở để yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất như ở Mỹ. Nhiều quốc gia như Anh, Singapore, Đức, Pháp thậm chí không có hệ thống cấp giấy chứng nhận.

Tuy vậy, sức mạnh của giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả ở Việt Nam có thể rất lớn nếu biết cách tận dụng. Chẳng hạn, nó có thể được dùng làm căn cứ yêu cầu cơ quan quản lý thị trường, hay sàn thương mại điện tử áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm, kể cả khi liên quan đến nhãn hiệu.

Điều này khiến cơ quan chức năng lúng túng, bởi họ không có thẩm quyền để diễn giải. Đã có trường hợp Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận ý kiến của bên giữ giấy chứng nhận quyền tác giả để từ chối đăng ký nhãn hiệu trùng lặp, nhưng ở vụ khác lại bác bỏ yêu cầu hủy nhãn hiệu dựa trên bản quyền của logo trước đó. Vai trò sau cùng đặt lên vai tòa án. Nhưng lúc này, câu nói của ông cha trở nên phù hợp hơn bao giờ hết: “Được vạ thì má cũng sưng”.

Trong một cuộc trao đổi ngắn với đồng nghiệp về chủ đề này, chúng tôi đều thừa nhận, đây là một phương án “hay ho” để cứu vãn tình thế cho khách hàng tại Việt Nam. Suy cho cùng, vận dụng mọi quy định có lợi cho thân chủ mới là trách nhiệm chính của luật sư. Tuy nhiên, khi vượt ra khỏi mối quan hệ công việc thuần túy, chúng tôi cũng tin rằng, thực trạng này đe dọa đến sự bền vững của các công cụ sở hữu trí tuệ, có nguy cơ làm biến tướng không gian cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Cuối cùng, tác quyền không phải là lối tắt cho nhãn hiệu. Đó là một ngã rẽ tưởng chừng an toàn nhưng dễ cụt đường. Muốn xây dựng thương hiệu bền vững và được pháp luật bảo vệ vững chắc, doanh nghiệp vẫn phải trở lại con đường chính thống. Hãy để logo của bạn không chỉ đẹp về thẩm mỹ (đủ để bảo hộ quyền tác giả) mà còn vững vàng về pháp lý thương mại dưới chiếc ô nhãn hiệu. Có như vậy, thương hiệu mới thực sự được chở che, vươn xa và trường tồn.


Nguồn:Kinh tế Sài Gòn Copy link

TIN LIÊN QUAN