Hành lang pháp lý tạo đột phá cho đổi mới sáng tạo

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Khoa học và Công nghệ đang được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Dự thảo luật được kỳ vọng là hành lang pháp lý quan trọng, tạo đột phá phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia trong thời gian tới.

Kỹ sư vận hành Trung tâm dữ liệu Viettel tại Hòa Lạc.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, bộ đề xuất đổi tên luật thành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh từ hoạt động khoa học-công nghệ sang hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 thiếu chính sách tổng thể để điều chỉnh, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng, ngành, trong khi đây là những yếu tố có vai trò thúc đẩy liên kết giữa các thành tố trong hệ thống đổi mới sáng tạo để đưa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trở thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng và đi vào thị trường.

Việc xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm tác động một cách tích cực, hiệu lực và hiệu quả tới các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, đưa khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm 14 chương, 83 điều. Trong đó, một số nội dung mới, nổi bật như: Làm rõ hệ thống tổ chức khoa học-công nghệ; bổ sung nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; mở rộng nhân lực hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Một trong những quy định đột phá là cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên tạo ra; định kỳ được cử sang làm việc tại các tổ chức nghiên cứu và phát triển, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và các tổ chức khác trong một thời gian nhất định để trao đổi học thuật, nâng cao năng lực, nắm bắt nhu cầu công nghệ.

Trong thời gian làm việc ở các tổ chức này vẫn được giữ nguyên chế độ lương, quy hoạch, bổ nhiệm, thi đua khen thưởng tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Quy định này nhằm thúc đẩy liên kết giữa khu vực nghiên cứu với doanh nghiệp để giúp nâng cao trình độ của doanh nghiệp, gắn nghiên cứu với thực tiễn và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Hiện nay, lực lượng chủ lực trong nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ là các doanh nghiệp. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, ngày càng xuất hiện nhiều nguồn lực đầu tư từ xã hội cho khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Do đó, dự thảo luật có nhiều quy định thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, như: Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo hành lang pháp lý thử nghiệm các công nghệ mới mà pháp luật chưa có quy định hoặc cấm thử nghiệm; Nhà nước ưu tiên mua các sản phẩm là kết quả của các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên cơ sở khai thác kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể…

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang phát triển rất mạnh mẽ, có vai trò ngày càng quan trọng và được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới, đưa đất nước trở thành nước phát triển vào năm 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Ngày 22/12 vừa qua, Tổng Bí thư ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Do đó, nội dung của Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần bám sát, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với các quy định mạnh mẽ, phù hợp thực tiễn của Việt Nam và tiến gần tới thông lệ quốc tế.

Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, việc xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần dựa trên các quan điểm: Mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, đóng góp ngày càng hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội; tinh gọn bộ máy để tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập; thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước…

Một số nhà khoa học cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung điều khoản khẳng định vai trò và vị thế mới của khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một quan điểm, nguyên tắc quan trọng trong luật. Đối với các tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách riêng để tạo thuận lợi phát triển nghiên cứu mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Viettel cho rằng, dự thảo luật sẽ tạo ra cơ chế thông thoáng, giúp đơn giản hóa các quy trình xét duyệt và thực hiện các đề tài khoa học-công nghệ, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, bộ sẽ tổ chức các buổi làm việc với từng bộ, ngành, lĩnh vực liên quan để làm rõ hơn các nội dung trong dự án luật; đồng thời, khẳng định sẽ tiếp thu cao nhất những ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm tính khả thi và phù hợp thực tiễn.


Nguồn:Nhân dân Copy link

TIN LIÊN QUAN