Nỗ lực kết nối các không gian văn hóa sáng tạo của các đơn vị, tổ chức và tư nhân tham gia hình thành Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội là giải pháp quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực.
Làm đa dạng diện mạo văn hóa Hà Nội
Năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Đây là công cụ và cam kết quan trọng giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Hà Nội là nơi tập trung nguồn lực sáng tạo và là nơi có số lượng không gian văn hóa sáng tạo nhiều nhất cả nước.
Du khách tham quan không gian văn hóa sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội.
Theo thống kê Sáng kiến Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam (Vietnam's Creative Hub Initiative - ViCHI), đến năm 2020 Việt Nam có khoảng 190 không gian văn hóa sáng tạo, trong đó Hà Nội có khoảng 80 không gian văn hóa sáng tạo ở nhiều lĩnh vực đa dạng như thiết kế, nghệ thuật thị giác, kiến trúc, âm nhạc, trình diễn, thủ công mỹ nghệ, xuất bản, nhiếp ảnh, điện ảnh...
Các không gian văn hóa sáng tạo có khả năng kết nối cộng đồng sáng tạo với khán giả thụ hưởng sản phẩm văn hóa, bồi dưỡng đời sống tinh thần của cộng đồng, mang lại việc làm và hỗ trợ các ngành nghề sáng tạo phát triển, giúp cho TP đạt được mục tiêu phát triển cân bằng, bền vững. Cùng với đó, các không gian văn hóa sáng tạo còn giúp mọi người thay đổi nhận thức về hoạt động sáng tạo và vai trò ngành sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bạch Liên Hương, trong những năm qua, cộng đồng sáng tạo và không gian sáng tạo tại Hà Nội đã không ngừng nỗ lực đổi mới, trở thành những điểm sáng về thiết kế, văn hóa, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, khởi nghiệp sáng tạo. Không chỉ là nơi ươm mầm những ý tưởng mới mẻ, các không gian sáng tạo còn đóng vai trò cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa cộng đồng địa phương và quốc tế.
“Chính từ những hoạt động bền bỉ, những dự án ý nghĩa của cộng đồng sáng tạo, hình thành các không gian sáng tạo, diện mạo văn hóa của Hà Nội ngày càng trở nên đa dạng hơn. Các không gian sáng tạo thực sự là những "hạt nhân đổi mới", góp phần mạnh mẽ trong việc xây dựng bản sắc văn hóa sáng tạo đặc trưng của Thủ đô, phát triển kinh tế sáng tạo và thúc đẩy hình ảnh một Hà Nội trẻ trung, năng động, hiện đại mà vẫn đậm đà truyền thống” – bà Bạch Liên Hương nhìn nhận.
Hiện, Hà Nội đang tập trung phát triển và mở rộng các không gian sáng tạo. Trong đó xây dựng các không gian sáng tạo điểm đến trên cơ sở thiết chế hiện có của ngành văn hóa như: Không gian sáng tạo giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Không gian sáng tạo phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn truyền thống tại Nhà hát Múa rối Thăng Long; Di tích nhà tù Hỏa Lò...
Ứng dụng công nghệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động sáng tạo trong các lĩnh vực trên tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), hồ Thiền Quang và Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), tuyến phố ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình), phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), Khu đô thị Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức và Tập đoàn Sovico), Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (quận Hoàng Mai)…
Nhiều cơ chế hỗ trợ, kết nối các nguồn lực
Không gian văn hóa sáng tạo được định nghĩa là một địa điểm trực tiếp hoặc trực tuyến, nơi nuôi dưỡng, hỗ trợ các hình thức thể hiện nghệ thuật và sáng tạo khác nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, nuôi dưỡng tài năng, thúc đẩy đổi mới, phát triển kinh doanh, gắn kết cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật có sự thúc đẩy của công nghệ.
Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Mới đây, UBND TP đã ban hành Kế hoạch 97/KH-UBND ngày 11/4/2024 về tổ chức các hoạt động của Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2025, hướng tới phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Đồng thời thúc đẩy hoạt động kết nối, mở rộng hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội với các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực thiết kế, công nghiệp sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Một trong những nội dung quan trọng của Kế hoạch là tăng cường triển khai chính sách thúc đẩy hoạt động sáng tạo. Cụ thể là triển khai thực hiện các chính sách mới theo Luật Thủ đô 2024 và các chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa và khởi nghiệp sáng tạo.
Đáng chú ý, triển khai thi hành các chính sách mới theo Luật Thủ đô 2024, TP Hà Nội đã xây dựng Nghị quyết HĐND TP về việc thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa, khu thương mại và dịch vụ văn hóa, góp phần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, hình các không gian sáng tạo, ươm mầm sáng tạo… Hà Nội cũng là một trong những địa phương đầu tiên thành lập Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo, hiện đặt tại Bảo tàng Hà Nội.
Không gian nghệ thuật công cộng độc đáo được thiết kế từ vật liệu tái chế, giấy dó thủ công và kết cấu thép tại Vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm).
Nhằm kết nối các nguồn lực sáng tạo, mới đây, Sở VH&TT Hà Nội vừa tổ chức gặp mặt các không gian văn hóa sáng tạo, các cá nhân tư nhân và công lập, chính thức kêu gọi các nhóm và tổ chức văn hóa sáng tạo đăng ký trở thành thành viên Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội.
Theo Giám đốc Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Hòa, việc kết nối các không gian văn hóa sáng tạo, hình thành Mạng lưới các không gian văn hóa sáng tạo của TP Hà Nội hướng tới mục tiêu hỗ trợ phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, nâng cao giá trị các sản phẩm sáng tạo, mở rộng thị trường, trao đổi các sản phẩm sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa.
Khi tham gia Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội, các không gian văn hóa sáng tạo, cá nhân, tổ chức được hỗ trợ kết nối công tác tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của không gian trên hệ thống trang chính thức Thành phố sáng tạo Hà Nội và các cơ quan thông tấn báo chí. Đồng thời được hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục cấp phép theo quy định đối với những hoạt động của đơn vị tham gia trong mạng lưới, khuyến khích hỗ trợ tổ chức các hoạt động có sáng tạo hình thành nên những tác phẩm mới có giá trị.
Cùng với đó, được tham gia các hoạt động của Mạng lưới sáng tạo TP Hà Nội, kết nối hoạt động của các thành viên trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí để triển khai các hoạt động sáng tạo tiêu biểu, có giá trị sáng tạo cao, có ảnh hưởng đến cộng đồng…
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker khẳng định, việc Hà Nội kêu gọi tham gia Mạng lưới các không gian văn hóa sáng tạo của TP là động thái quan trọng nhằm kết nối, công nhận và hỗ trợ những tác nhân sáng tạo đa dạng định hình nên nền văn hóa của TP mỗi ngày.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bạch Liên Hương cũng bày tỏ mong muốn các nhà sáng tạo, không gian sáng tạo sẽ tiếp tục bám sát định hướng phát triển văn hóa của Thủ đô; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để quảng bá, đưa hoạt động sáng tạo đến gần với công chúng hơn nữa, đặc biệt với thế hệ trẻ.
Đồng thời, tiếp tục hợp tác, đồng hành, sáng tạo để cùng xây dựng một hệ sinh thái sáng tạo Thủ đô năng động, bền vững, đậm đà bản sắc dân tộc. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực, hướng tới đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành kinh tế mũi nhọn là động lực phát triển Thủ đô.