Việt Nam đã gia nhập 7/8 Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, tuy nhiên vẫn đứng thứ 3 khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền. Hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường số có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý.
Hơn 200 website có dấu hiệu vi phạm
Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức gồm 5 phiên thảo luận, khép lại vào trưa 21/6. Ngoài các chuyên gia trong nước, 70 chuyên gia đến từ 15 quốc gia tại các khu vực Đông Nam Á, châu Phi, Ả Rập và châu Mỹ La tinh đóng góp nhiều kinh nghiệm về ngăn chặn vi phạm bản quyền trên môi trường số.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới cũng như cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong mọi lĩnh vực, ngành nghề đều tập trung nghiên cứu, tìm kiếm các cơ hội để tận dụng đột phá, trong đó bao gồm cả lĩnh vực sáng tạo nội dung số.
Theo thống kê, khoảng 15,5 triệu lượt người dùng internet ở Việt Nam thường xuyên truy cập các trang web chứa nội dung lậu |
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong khẳng định, sáng tạo trên môi trường số mở ra nhiều cơ hội, tạo ra môi trường lưu giữ, phân phối và khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
“Sáng tạo nội dung số là mảnh đất mới đầy tiềm năng dành cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất nội dung, các tổ chức, cá nhân và các nhãn hàng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sân chơi này cũng đặt ra bài toán về bảo vệ bản quyền đối với mỗi sản phẩm nội dung số, không riêng ở thị trường Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu”, Thứ trưởng Hồ An Phong nhận định.
Hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường số có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia và tổ chức quốc tế cũng như các chủ sở hữu bản quyền cần hợp tác, phối hợp chặt chẽ và chia sẻ kịp thời.
Thiếu tá Lê Anh Tuấn (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an) cho biết, đối với hoạt động xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, hiện nay trên không gian mạng có khoảng hơn 200 website cung cấp nội dung có dấu hiệu vi phạm bản quyền về phim số, nhạc số, truyện tranh, chương trình truyền hình… có giao diện tiếng Việt. Một số dạng vi phạm bản quyền nội dung số phổ biến tại Việt Nam có thể kể đến phim số, truyện số, nhạc số, phát chiếu trực tiếp các trận đấu thể thao, chương trình biểu diễn…
Phần lớn các chủ thể quyền ở nước ngoài, vì thế việc đánh giá thiệt hại từ hành vi vi phạm bản quyền nội dung gặp nhiều khó khăn |
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khởi tố 4 vụ án hình sự, trong đó có 2 vụ án xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan qua website phát chiếu phim là www.phimmoi.net, www.bilutv.net.
Tuy nhiên, nguồn nội dung số có dấu hiệu vi phạm bản quyền trên không gian mạng rất khổng lồ, phong phú và xuyên biên giới. Phần lớn các chủ thể quyền ở nước ngoài, vì thế việc đánh giá thiệt hại từ hành vi vi phạm bản quyền nội dung gặp nhiều khó khăn, hình phạt phần lớn là xử phạt hành chính (phạt tiền), chưa tương xứng thiệt hại thực tế mà các đối tượng gây ra.
Tác giả cũng phải biết bảo vệ mình
Việt Nam đã gia nhập 7/8 Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan. Hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ, quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan được đánh giá tương đối đồng bộ.
Dù vậy, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nêu quan điểm, phải thẳng thắn nhìn nhận công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trên môi trường số nói riêng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Một số tác giả chưa nắm vững các quy định pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Năm 2022, Việt Nam đã thiệt hại khoảng 350 triệu USD do vi phạm bản quyền. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền, với khoảng 15,5 triệu lượt người thường xuyên truy cập các trang web chứa nội dung lậu.
Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó chú trọng đến quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.
Bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh sự cần thiết của việc nghiên cứu xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập. Đây là hướng đi mà nhiều quốc gia đã thực hiện. Bà Oanh cho rằng, cần phát huy vai trò, tính chủ động của các hội, hiệp hội, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong việc thực thi, bảo vệ quyền trên môi trường số. Các chủ thể quyền có thể áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả.
“Để chống xâm phạm bản quyền, bảo hộ quyền tác giả trên không gian mạng, cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cảnh báo các doanh nghiệp không nên mua quảng cáo ở những trang web hoặc mạng xã hội vi phạm bản quyền”, bà Phạm Thị Kim Oanh nói.
Bà Soyeong Ahn, Phó trưởng phòng Hợp tác và Thương mại Văn hóa (Cục Bản quyền, Bộ VHTTDL Hàn Quốc) đề xuất, mỗi quốc gia cần có kế hoạch phối hợp toàn diện nhằm xóa bỏ việc phân phối nội dung bất hợp pháp trên môi trường số. Kế hoạch có thể xây dựng dựa trên 4 chiến lược cụ thể bao gồm tốc độ, tính nghiêm ngặt, sự hợp tác, khoa học và sự thay đổi.
Chuyên gia đến từ Hàn Quốc đề xuất Việt Nam xây dựng hệ thống tự động phát hiện, ngăn chặn các trang web bất hợp pháp, đồng thời nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm bản quyền.