Quỹ đầu tư tư nhân mở lối chiến lược mới cho sở hữu trí tuệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự trỗi dậy của các quỹ đầu tư tư nhân trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đang tạo ra một làn sóng mới trong chiến lược khai thác tài sản vô hình, bằng sáng chế giờ đây được xem như một “công cụ tài chính” quan trọng trong cuộc chơi của những nhà đầu tư lớn.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa diễn ra mạnh mẽ, sở hữu trí tuệ không chỉ là một yếu tố bảo vệ sự sáng tạo mà còn là nguồn lực tài chính chiến lược. Những tập đoàn lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, dược phẩm và viễn thông, đang nắm giữ hàng nghìn bằng sáng chế giá trị. Tuy nhiên, không phải tất cả trong số đó được khai thác hiệu quả theo cách truyền thống.

Xu hướng gần đây cho thấy các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity - PE) đã bắt đầu quan tâm sâu sắc tới kho tàng tài sản này. Không còn dừng lại ở việc cấp phép đơn lẻ, các danh mục bằng sáng chế đang được gom lại thành các cấu trúc tài chính chuyên biệt, phục vụ mục đích huy động vốn, tối ưu dòng tiền và giảm thiểu rủi ro vận hành. Bằng cách thành lập các đơn vị tài chính đặc biệt (Special Purpose Vehicles – SPV), những quỹ PE có thể quản lý, khai thác và thậm chí chuyển nhượng bằng sáng chế như một tài sản có tính thanh khoản.

Quỹ đầu tư tư nhân mở lối chiến lược mới cho sở hữu trí tuệ

Mối giao thoa giữa tài chính và công nghệ: Bằng sáng chế đang trở thành đòn bẩy đầu tư mới trong chiến lược của các quỹ PE.

Không giống cổ phiếu hay trái phiếu dễ đo lường, bằng sáng chế từ lâu bị đánh giá là khó định giá và khó khai thác. Thế nhưng, khi đặt vào tay các chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm, những tài sản này lại hé lộ tiềm năng sinh lời ổn định và dài hạn. Doanh thu từ việc cấp phép công nghệ, sử dụng sáng chế trong sản xuất hoặc khởi kiện các vụ vi phạm có thể trở thành dòng tiền đáng tin cậy cho nhà đầu tư.

Các quỹ PE nhìn thấy ở đây một lợi thế chiến lược. Trái ngược với các khoản đầu tư thông thường dễ bị ảnh hưởng bởi thị trường, bằng sáng chế mang tính ổn định và ít biến động hơn. Khi tích lũy đủ số lượng và giá trị, chúng có thể được dùng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tạo đòn bẩy tài chính mà không cần hy sinh quyền kiểm soát công ty.

Tái cấu trúc quyền sở hữu trí tuệ: Cơ hội và cảnh báo

Việc đẩy mạnh tài chính hóa bằng sáng chế đang mang lại lợi ích kép cho cả bên sở hữu IP và bên đầu tư. Các tập đoàn lớn có thể “giải phóng” giá trị tài sản trước đây bị “ngủ quên” trong kho hồ sơ sáng chế, trong khi các quỹ PE tìm thấy một kênh đầu tư mới đầy triển vọng.

Justin Delfino, Phó Chủ tịch Điều hành, Giám đốc Toàn cầu mảng Giải pháp IP và R&D tại Evalueserve, nhấn mạnh rằng: “Với một danh mục bằng sáng chế quy mô lớn, doanh nghiệp có thể lựa chọn để chúng nằm yên như tài sản không sinh lời — hoặc chủ động biến chúng thành đòn bẩy tài chính thực thụ”. Tuy nhiên, quá trình này không hoàn toàn không rủi ro.

Một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề định giá. Giá trị thực sự của bằng sáng chế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng áp dụng thực tiễn, tình hình thị trường và đặc biệt là nguy cơ tranh chấp pháp lý. Nếu không được thẩm định kỹ lưỡng, các khoản đầu tư dựa trên IP có thể trở thành gánh nặng pháp lý dài hạn.

Bên cạnh đó, cấu trúc tài chính phức tạp khiến quyền kiểm soát bằng sáng chế có thể bị phân tán. Việc chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền khai thác cho các đơn vị trung gian (SPV) đòi hỏi khung pháp lý rõ ràng và khả năng giám sát cao, đặc biệt trong bối cảnh các giao dịch IP thường mang tính chất xuyên biên giới.

Tương lai của IP: Từ bảo vệ pháp lý đến công cụ đầu tư

Theo các chuyên gia quốc tế, sự kết hợp giữa quỹ PE và bằng sáng chế không phải là hiện tượng nhất thời mà phản ánh sự trưởng thành của thị trường sở hữu trí tuệ. Bằng sáng chế đang được nhìn nhận như một lớp tài sản độc lập, có thể giao dịch, tài trợ và sinh lời giống như bất động sản hay chứng khoán.

Đối với Việt Nam, nơi hệ thống sở hữu trí tuệ đang trong giai đoạn hoàn thiện, xu hướng này đặt ra những yêu cầu mới về cơ chế định giá, chính sách thuế và quy định chuyển nhượng IP. Đặc biệt, cần thúc đẩy mối liên kết hiệu quả giữa hệ sinh thái nghiên cứu – nơi hình thành tri thức và công nghệ với hệ thống tài chính, nhằm xây dựng cơ chế chuyển giao và thương mại hóa sở hữu trí tuệ một cách bền vững, định hướng theo nhu cầu thị trường.

Sự tham gia của quỹ đầu tư tư nhân vào lĩnh vực sở hữu trí tuệ có thể là chất xúc tác để các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận lại kho tài sản trí tuệ của mình. Không chỉ là giấy tờ pháp lý, bằng sáng chế giờ đây đang thực sự trở thành tiền, nếu được đặt đúng chỗ, vào đúng tay và dưới góc nhìn chiến lược. Trong bối cảnh cạnh tranh bằng đổi mới sáng tạo ngày càng khốc liệt, ai biết “đánh thức” tiềm năng từ sở hữu trí tuệ sẽ chiếm lợi thế trên cả thị trường và bàn đàm phán đầu tư.


Nguồn:Tạp chí Thương Trường Copy link

TIN LIÊN QUAN