Trong cao điểm hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 2025, khi Việt Nam tổ chức hàng loạt hội thảo, chiến dịch truyền thông và kêu gọi đổi mới sáng tạo, tôi muốn kể lại một câu chuyện rất cũ - nhưng đáng để chúng ta suy ngẫm. Câu chuyện ấy gắn với một người Nhạc sĩ nổi tiếng - Phạm Duy - và một thời kỳ mà quyền tác giả chưa phải là khẩu hiệu, nhưng lại được tôn trọng một cách tự nhiên và sâu sắc.
Trong hồi ký của mình, Phạm Duy kể: Khoảng đầu năm1951, khi cuộc kháng chiến chống Pháp còn đang tiếp diễn, ông về Hà Nội cùng gia đình. Khi ấy, ông chưa có gì nổi bật ngoài một vài ca khúc đã được phổ biến. Một ngày, cha vợ ông - người gắn bó sâu sắc với âm nhạc, cũng là thân sinh của hai giọng ca Thái Hằng và Thái Thanh - mang đến cho ông một khoản tiền lớn. Ngạc nhiên, Phạm Duy hỏi: “Bố lấy đâu ra nhiều tiền vậy?”.
Và câu trả lời - giản dị mà khiến người ta rưng rưng: “Các hãng thâu thanh tìm con để trả tiền bản quyền mà không gặp được. Họ gửi lại cho bố”.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm.
Không có hợp đồng pháp lý nào buộc họ làm vậy. Nhưng họ vẫn trả. Không phải vì sợ chế tài, mà vì ý thức về đạo lý và pháp luật đã có mặt từ rất sớm.
Thực tế, thời kỳ đó, Đông Dương đang áp dụng hệ thống pháp luật Pháp - và Pháp chính là một trong những quốc gia sáng lập Công ước Berne năm 1886 về bảo hộ quyền tác giả. Dù Việt Nam khi đó chưa có đạo luật riêng, nhưng tinh thần của Berne, cùng hệ thống luật Pháp, đã được du nhập và thẩm thấu vào ngành xuất bản, thâu thanh, in ấn ở Hà Nội, Sài Gòn từ rất sớm. Đó là lý do vì sao, trong bối cảnh chiến tranh, người nghệ sĩ vẫn được đối xử công bằng với tác phẩm của mình.
Nhờ khoản tác quyền ấy, năm 1951, Phạm Duy vào Sài Gòn, đủ tiền mua một căn nhà khang trang và chiếc Citroën thời thượng – không chỉ là tài sản, mà là một cách sống.
Trên chiếc xe ấy, một chiều thảnh thơi, ông khe khẽ hát (có lẽ…):
“Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ…”.
Một câu hát bâng quơ mà thành ký ức. Vì ở một thời, cái đẹp được trả công - không cần ra giá. Và người ta biết trân quý người viết nên những điều đáng nhớ.
Gần tám mươi năm đã trôi qua. Chúng ta hôm nay có đầy đủ hơn rất nhiều: Đã có Luật Sở hữu trí tuệ, là thành viên của TRIPS, EVFTA, CPTPP; có hệ thống tòa án, trọng tài, cục sở hữu trí tuệ, hàng loạt chương trình quốc gia thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nhưng nghịch lý là trong khi pháp luật đầy đủ hơn, thì ý thức tôn trọng người sáng tạo lại có phần thụt lùi.
Tác phẩm bị đạo nhái tràn lan. Nhạc bị cover, remix để kiếm tiền mà không xin phép. Họa sĩ bị lấy tranh làm hình in áo mà không ghi tên. Tác giả phải đi “đòi lại” chính bài hát của mình. Trong một số vụ tranh chấp, người làm ra tác phẩm phải chứng minh… mình chính là tác giả. Và đau đớn nhất là, không nhiều người còn cảm thấy đó là điều sai.
Thực tế cho thấy, pháp luật có thể ban hành bằng nghị định, nhưng đạo lý chỉ có thể xây bằng văn hóa.
Và nếu chúng ta thực sự muốn trở thành một quốc gia đổi mới sáng tạo, như nhiều chính sách đang hướng tới - thì không thể chỉ đầu tư vào máy móc, bản đồ công nghệ, các trung tâm đổi mới - mà cần đi từ cốt lõi: phải bảo vệ con người sáng tạo bằng một hệ thống pháp lý minh bạch, thực thi hiệu quả, và quan trọng nhất - bằng một thái độ xã hội công bằng.
Một xã hội mà người viết nhạc có thể sống được bằng âm nhạc, người viết sách không bị scan tải lên mạng, người họa sĩ không bị xào lại tranh làm sản phẩm quảng cáo… mới là xã hội có thể gọi là “sáng tạo bền vững”.
Câu chuyện của Phạm Duy không chỉ là một lát cắt ký ức. Nó là lời chứng cho một thời mà luật pháp và lẽ phải còn gần nhau. Còn hôm nay - khi chúng ta đã có đủ mọi công cụ pháp lý - thì câu hỏi ngược lại được đặt ra: vì sao chúng ta chưa thể hiện được một hệ giá trị xứng đáng cho người sáng tác?
Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới, tôi mong rằng - thay vì chỉ kỷ niệm bằng khẩu hiệu - hãy cùng nhau suy nghĩ lại cách mà chúng ta đang đối xử với sáng tạo. Bởi nếu chúng ta không bảo vệ được người làm ra cái đẹp, cái hay, cái mới - thì sẽ không có tương lai nào gọi là “đổi mới” hay “phát triển”.