Hội thảo “Thương mại hóa tài sản quyền tác giả của Doanh nghiệp trong Kỷ nguyên số” diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vào ngày 25.04.2025, buổi hội thảo với chủ đề “Thương mại hóa tài sản quyền tác giả của Doanh nghiệp trong Kỷ nguyên số” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh khu vực Tp.Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam (VCCA) và Viện Kinh tế Sáng tạo và Bản quyền Số (VIC) đồng tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp tại TPHCM với nhiều đề tài và nội dung thiết thực.

Ngày 26/4 hàng năm được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn là ngày sở hữu trí tuệ thế giới nhằm tôn vinh, tri ân công sức đóng góp của các nhà sáng tạo, nhà sáng chế và doanh nhân đầu tư sáng tạo, đưa các sáng tạo phục vụ công chúng và tôn vinh vai trò của sở hữu trí tuệ trong đời sống kinh tế - xã hội và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Trong năm 2025, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới đã công bố chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là: Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ (IP and music: Feel the beat of IP) nhằm kết nối cộng đồng, khơi dậy cảm xúc, định hướng cho sự thay đổi và truyền cảm hứng cho một tương lai đổi mới sáng tạo hơn. 

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số theo thời gian đã mở ra nhiều cơ hội giúp mọi người có thể kết nối, chia sẻ với nhau các nội dung sáng tạo mọi lúc, mọi nơi thế nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho việc bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ. Nhận thấy được tính cấp thiết của vấn đề nói trên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh khu vực Tp.Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam (VCCA) và Viện Kinh tế Sáng tạo và Bản quyền Số (VIC) đã tổ chức buổi hội thảo với chuyên đề “Thương mại hóa tài sản quyền tác giả của Doanh nghiệp trong Kỷ nguyên số” để các chuyên gia, nhà quản lý, và đại diện doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kinh doanh hiện đại. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp mở rộng quan hệ, kết nối và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tôn trọng bảo vệ bản quyền.

Sự kiện diễn ra vào sáng ngày 25.04.2025 tại Tòa Nhà VCCI Building (171 Võ Thị Sáu, Phường 6, Quận 3, TPHCM) , thu hút sự tham gia của hơn 100 khách mời là các chuyên gia diễn giả, đại diện doanh nghiệp trong nước và quốc tế, ban lãnh đạo TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam cùng các đơn vị sở hữu kỷ lục, Kỷ lục gia đến tham dự.

Toàn cảnh Hội thảo “Thương mại hóa tài sản quyền tác giả của Doanh nghiệp trong Kỷ nguyên số (Ảnh:Vietkings)

 

Hội thảo ghi nhận sự tham gia của hơn 100 khách mời là các chuyên gia diễn giả, đại diện doanh nghiệp trong nước và quốc tế, ban lãnh đạo TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam cùng các đơn vị sở hữu kỷ lục, Kỷ lục gia (Ảnh:Vietkings)

Ông Trần Ngọc Liêm - Giám Đốc - Liên đoàn thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh HCM phát biểu khai mạc (Ảnh: Vietkings) 

Ngay sau phần khai mạc, Hiệp Hội Sáng Tạo và bản quyền tác giả Việt Nam – đơn vị chủ trì sáng lập của Viện Kinh Tế Sáng Tạo & bản Quyền Số cũng đã công bố các quyết định bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo của Viện trong giai đoạn mới nhằm kiện toàn bộ máy điều hành và đảm bảo hoạt động của đơn vị. Các chức danh mới bao gồm: 

1. TSDD Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Hội đồng Viện

2. Ông Trần Văn Phát - Thạc sĩ Kinh tế, cử nhân Luật, giữ chức Viện Trưởng

3. Bà Ngô Diệu Thủy - Cử nhân QTKD, Cử nhân Anh văn, giữ chức Phó Viện Trưởng

4. Bà Trần Thị Phấn - Cử nhân kinh tế, giữ chức Phó Viện Trưởng

5. Ông Vũ Đỗ Tuấn Huy - Thạc sĩ QTKD, Kỹ sư công nghệ,  giữ chức : Giám Đốc Trung Tâm Kinh Tế Sáng Tạo và Công Nghệ Số Quốc Gia thuộc viện VIC

6. Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Ứng Dụng Khoa Học Công Nghệ Quốc Gia thuộc viện VIC

Bộ máy lãnh đạo của Viện Kinh Tế Sáng Tạo & bản Quyền Số trong giai đoạn mới (Ảnh: VietKings)

Điểm nhấn của sự kiện ngày 25.04.2025 chính là chương trình tham luận của 4 diễn giả là lãnh đạo cấp cao của các Viện, Hiệp hội, tổ chức trong và ngoài nước xoay quanh phát triển tài sản trí tuệ thành tài sản thương mại hóa:
 

1 - “Thương mại hóa tài sản quyền tác giả của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số”, Diễn giả: CVCC. Bùi Nguyên Hùng – Nguyên Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả, Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch, Chủ tịch VCCA.

2 - “Biến tài nguyên thành tài sản thương mại”Diễn giả: Tiến sĩ Lê Minh Phiếu – Luật sư sáng lập, LMP Lawyers.

3 - “Kinh tế sáng tạo trên nền tảng thương mại số B2B”, Diễn giả: Ông Trần Văn Chín – Chủ tịch sáng lập Arobid.

4 - “Ứng dụng AI trong sáng tạo và kinh doanh nội dung số”Diễn giả: Bà Lâm Oanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ Sáng tạo và Bản quyền số Việt Nam.

Phần tham luận 01:

Mở đầu phần tham luận. ông Bùi Nguyên Hùng – Nguyên Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả, Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch, Chủ tịch VCCA đã khái quát một số khái niệm cũng như khía cạnh cơ bản về quyền sở hữu trí tuệ như vai trò của quyền sở hữu trí tuệ, tài sản quyền tác giả trong doanh nghiệp, thương mại hóa tài sản quyền tác giả...

 Ông Bùi Nguyên Hùng cùng phần tham luận của mình (Ảnh: Vietkings)

Phần tham luận 02:

Với phần tham luận của mình, Tiến sĩ Lê Minh Phiếu – Luật sư sáng lập, LMP Lawyers đã đi sâu vào các vấn đề pháp lý liên quan đến Quyền sở hữu trí tuệ. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng và tuân thủ các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, từ đó nâng cao năng lực bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong môi trường kinh doanh cạnh tranh.

Phần tham luận của Tiến sĩ Lê Minh Phiếu tập trung vào các khía cạnh pháp lý của quyền Sở hữu trí tuệ (Ảnh: Vietkings) 

Phần tham luận 03:

Với cương vị là chủ tịch sáng lập của Công ty CP Công nghệ Arobid, nơi tiên phong áp dụng mô hình B2B (business to business) vào trong hoạt động kinh doanh của đơn vị, ông Trần Văn Chín đã đem đến cho các khán thính giả những góc nhìn mới mẻ về việc áp dụng mô hình tiên tiến trên vào việc sáng tạo thương mại.

Phần tham luận của ông Trần Văn Chín nhấn mạnh  B2B được coi là đích đến tiếp theo mà hầu hết các doanh nghiệp hướng tới khi thị trường B2B trở thành công cụ thương mại điện tử quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là trong thời đại số 4.0. 

 Phần tham luận 04:

Cho đến thời điểm hiện tại chủ đề AI vẫn chưa có dậu hiệu "hạ nhiệt" và thậm chí còn trở nên "nóng" hơn từng ngày. Trong bối cảnh công nghệ phát triển không ngừng, AI đã trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ các doanh nghiệp và người làm việc trong các lĩnh vực như truyền thông, sản xuất, và công nghệ sáng tạo nội dung hiệu quả hơn. Tuy vậy việc ứng dụng AI một cách hợp lý và hợp pháp cũng đang trở thành một vấn đề thực tiễn đối với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, đây chính là trọng tâm trong phần tham luận của bà Lâm Oanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ Sáng tạo và Bản quyền số Việt Nam. 

Diễn giả Lâm Oanh hào hứng chia sẻ về các vấn đề liên quan đến AI tại buổi hội thảo (Ảnh: Vietkings)

Ban tổ chức chương trình tặng hoa cho các diễn giả (Ảnh: VietKings)

 Sau phần tham luận của các diễn giả, các lãnh đạo mới của Viện VIC cũng đã tổ chức một buổi tọa đàm ngắn để chia sẻ về các định hướng phát triển trong thời gian tới. Các lãnh đạo đều mong muốn trong tương lai các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ cùng chung tay góp sức nhiều hơn nữa trong việc sáng tạo và phân phối nội dung sáng tạo trên không gian mạng , cũng như cùng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp và các tác giả trong việc thúc đẩy phát triển sáng tạo và bảo vệ bản quyền. 

Các lãnh đạo của VIC đã chọn 3 từ khóa "Giá trị thật""Thực tiễn" và "Đồng hành" để thể hiện tinh thần của Viện VIC trong giai đoạn mới (Ảnh: VietKings)

 Ngoài ra tại hội thảo, đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings và Viện Kinh tế sáng tạo & bản quyền số cũng đã ký kết ghi nhớ hợp tác, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và bảo vệ bản quyền các sáng kiến, công trình mang tính kỷ lục của cộng đồng Kỷ lục gia Việt Nam trong thời gian tới. Song song với đó lễ ký kết giữa Viện Kinh tế sáng tạo & bản quyền số và Công ty CP Công Nghệ Arobid và giữa VIC với Hệ Thống Luật Thịnh Trí cũng đã được diễn ra tại hội thảo.

Phần ký kết hợp tác giữa VietKings và Viện Kinh tế sáng tạo & bản quyền số (Ảnh: Vietkings)

Phần ký kết hợp tác giữa Viện Kinh tế sáng tạo & bản quyền số và Công ty CP Công Nghệ Arobid (Ảnh: Vietkings)

Phần ký kết hợp tác giữa VIC với Hệ Thống Luật Thịnh Trí (Ảnh: Vietkings)

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm vào cuối chương trình (Ảnh: VietKings)

Sau hơn 3 tiếng làm việc, hội thảo “Thương mại hóa tài sản quyền tác giả của Doanh nghiệp trong Kỷ nguyên số” đã kết thúc với nhiều chủ đề hay được gợi mở, nhiều vấn đề được bàn luận. Đây chính là tiền đề và động lực để Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh khu vực Tp.Hồ Chí Minh (VCCI-HCM), Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam (VCCA) và Viện Kinh tế Sáng tạo và Bản quyền Số (VIC) có thể tổ chức những buổi tọa đàm mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng trong tương lai. 


Nguồn:Hội Kỷ lục gia Việt Nam - VietKings Copy link

TIN LIÊN QUAN