Sáng 7/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Theo đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật...
Toàn cảnh Phiên họp
Đề cập một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy khẳng định: Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã tổ chức phối hợp, nghiên cứu, kịp thời thể chế hóa Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư; nghiêm túc thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị và các Công thư số 15, số 17 của Chủ tịch Quốc hội. Kết quả thực hiện được trình bày trong các 02 Phụ lục kèm theo.
Về quy định trách nhiệm thẩm định quy chuẩn Việt Nam (QCVN) được quy định tại Điều 27, Điều 32 dự thảo Luật hợp nhất, có ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan trong việc thẩm định QCVN bảo đảm tính thống nhất, khách quan, tránh lợi ích nhóm, cục bộ của các bộ trong xây dựng, ban hành QCVN, đặc biệt trong xử lý một số lĩnh vực giao thoa về phạm vi, đối tượng áp dụng, chồng chéo về thẩm quyền trong xây dựng QCVN.
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy
Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến ĐBQH và thể chế hóa kịp thời Chỉ thị số 38-CT/TW, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã thống nhất với Cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý điểm d khoản 1 Điều 32 dự thảo Luật theo hướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm quyền chủ trì thẩm định QCVN. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của quy định này.
Giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện tiêu chuẩn cơ sở được sử dụng để chứng nhận
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định chứng nhận sự phù hợp đối với tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban thấy rằng, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 và dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 không quy định nội dung chứng nhận sự phù hợp đối với TCCS. Qua khảo sát thực tế và tổng kết thi hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho thấy, có nhu cầu chứng nhận sự phù hợp đối với các TCCS do các doanh nghiệp, tập đoàn, hội, hiệp hội tự xây dựng. Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề xuất 02 phương án:
Đại diện các Bộ ngành tham dự Phiên họp
Phương án 1: Không bổ sung quy định chứng nhận sự phù hợp đối với TCCS và giữ như Luật hiện hành. Phương án này có ưu điểm là phù hợp với khả năng quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về TCCS, thực tiễn xây dựng và áp dụng TCCS hiện nay, phù hợp với bản chất của TCCS là tự xây dựng, công bố và tự nguyện áp dụng trong phạm vi cơ sở của mình. Tuy nhiên, phương án này cũng có hạn chế là chưa phát huy, khai thác nguồn lực xã hội, đặc biệt là đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp lớn cho hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn. Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với Phương án 1.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc
Phương án 2: Bổ sung quy định việc chứng nhận sự phù hợp đối với TCCS và giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện TCCS được sử dụng để chứng nhận sự phù hợp. Phương án này có ưu điểm là góp phần thúc đẩy xã hội hoá hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, góp phần nâng cao hạ tầng chất lượng quốc gia; đề cao vai trò khu vực tư nhân trong tham gia vào hoạt động xây dựng theo lộ trình phù hợp, áp dụng tiêu chuẩn, đặc biệt là những TCCS có chất lượng cao; mở rộng phạm vi áp dụng của TCCS. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là chưa đánh giá hết khả năng triển khai trên thực tế, có thể có trường hợp lợi dụng để trục lợi, gây ảnh hưởng tiêu cực.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban KH,CN&MT lựa chọn phương án 2; đồng thời đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo có đánh giá tác động, nghiên cứu quy định điều kiện thực hiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hậu kiểm. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này.
Rà soát trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn kỹ thuật
Tại Phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất định hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn, các quy định liên quan đến đánh giá sự phù hợp, các quy định liên quan đến xây dựng, công bố tiêu chuẩn quốc gia; xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho đối tượng thuộc danh mục bí mật Nhà nước, quy định trách nhiệm thẩm định Quy chuẩn Việt Nam, quy định liên quan đến điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn kỹ thuật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh
Ngoài ra, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho Ủy ban KH,CN&MT chuẩn bị.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban KH,CN&MT phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát để đảm bảo ý kiến ĐBQH, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp và tại Thông báo kết luận 4194 ngày 26/8/2024 được tiếp thu và giải trình đầy đủ, thuyết phục; tiếp tục rà soát để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng các yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật, đảm bảo chất lượng dự án luật trình Quốc hội; tiếp tục rà soát để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo việc thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm quy định của Nghị quyết 27 và Quy định số 178; tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị có nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đối với nội dung còn có ý kiến khác nhau về bổ sung hay không bổ sung quy định chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nêu rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở lý luận thực tiễn; ưu, nhược điểm của từng loại ý kiến và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ tiếp thu theo đa số ý kiến Thường vụ để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về một số vấn đề cụ thể áp dụng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục rà soát, thống nhất với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp để khi ban hành luật không mâu thuẫn giữa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời thống nhất với các luật khác khi áp dụng pháp luật không xảy ra những khó khăn, vướng mắc và tiếp tục đánh giá đầy đủ tác động của việc thực hiện các cam kết quốc tế. Rà soát các quy định để đáp ứng các cam kết quốc tế về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quy định về nghĩa vụ minh bạch hóa trong các hiệp định.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện các vấn đề bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật để quy định cho phù hợp và chặt chẽ. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các quy định về xây dựng, thẩm định, công bố, thông báo áp dụng tiêu chuẩn quốc gia; xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở của cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Xã hội hóa các hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn, phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước, đảm bảo nguồn lực cho hoạt động của lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đảm bảo những nguyên tắc về phân phân cấp, phân quyền. Theo đó, một việc chỉ do một cơ quan trách nhiệm chính trong quản lý và đề nghị Chính phủ có ý kiến về vấn đề này vào việc phân công đầu mối thống nhất để quản lý trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, một số nội dung mới cần phải đánh rõ tác dụng, sự cần thiết để không làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời cũng đảm bảo tính minh bạch trong việc cạnh tranh lành mạnh ở trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên họp
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tại Phiên họp. Ủy ban KH,CN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật, các tài liệu liên quan và thực hiện các bước công việc theo quy định; hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật, chương trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật; giao Tổng thư ký Quốc hội chỉ đạo tổng hợp các ý kiến tham gia trong Phiên họp và thông báo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi tới các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện.