Quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm do AI tạo ra thuộc về ai?

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia trên thế giới, đứng thứ 5/10 trong khối ASEAN về khai thác ứng dụng trí tuệ nhân tạo để vận hành và cung cấp dịch vụ. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.

Đây là chia sẻ của GS-TS Phan Trung Lý, ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn tại Hội thảo chuyên đề “Pháp luật về trí tuệ nhân tạo do Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn tổ chức sáng nay 4.1.

Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ hội thảo quốc tế SIU Prize và lễ trao giải SIU Prize Computer Science 2024 từ ngày 4-11.1, thu hút gần 20 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học.

Pháp luật về trí tuệ nhân tạo ở thế giới ra sao?

GS-TS Phan Trung Lý cho biết theo kết quả đánh giá và công bố trong báo cáo chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của Chính phủ do Oxford Insight thực hiện năm 2023, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia trên thế giới, đứng thứ 5/10 trong khối ASEAN về khai thác ứng dụng AI để vận hành và cung cấp dịch vụ, tăng 1 bậc so với năm 2022.

"Bên cạnh những lợi ích to lớn, sự phát triển của AI cũng đã và đang làm dấy lên những quan ngại sâu sắc về các rủi ro tiềm ẩn từ các khía cạnh đạo đức, xã hội, pháp lý. Điều đáng quan ngại nhất là ngày càng xuất hiện và phổ biến việc AI đã và đang bị sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm", GS-TS Phan Trung Lý nêu.

Bên cạnh đó, việc phát triển AI cũng đã có những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân, như quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân, việc làm...

Vì thế, theo ông Lý, việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về AI ở Việt Nam đang đặt ra cấp thiết, nhằm quản trị AI để phát huy được những yếu tố tích cực, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc ứng dụng công nghệ này.

GS-TS Phan Trung Lý viện dẫn trên thế giới, Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 21.3.2024, nghị quyết toàn cầu đầu tiên về AI nhằm kêu gọi các nước chung tay bảo vệ quyền con người, bảo vệ dữ liệu cá nhân và kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn từ công nghệ này.

Ngày 30.10.2023, cơ quan hành pháp của Tổng thống Mỹ cũng có sắc lệnh về phát triển và sử dụng AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy. Sắc lệnh này nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển AI có trách nhiệm, tập trung vào các lĩnh vực, như dữ liệu cá nhân, hạt nhân, sinh học.

"Luật của Liên minh châu Âu tháng 2-2024 về AI đã được Nghị viện châu Âu thông qua. Đây là đạo luật đầu tiên trên thế giới điều chỉnh toàn diện các vấn đề về AI. Mục tiêu chính của đạo luật này là khuyến khích phát triển các hệ thống AI có đạo đức và trách nhiệm. Theo đó, trong việc nghiên cứu và phát triển AI cần thiết lập các nguyên tắc về tiêu chuẩn rõ ràng để bảo đảm các công nghệ AI tôn trọng các quyền cơ bản và nguyên tắc đạo đức", ông Lý chia sẻ.

Việt Nam cần nghiên cứu cách tiếp cận của các quốc gia

Được biết, tại dự thảo luật Công nghiệp số (tháng 7.2024), AI đã được đề cập ở mục 5, trong đó có nội dung về thúc đẩy phát triển và ứng dụng AI; xây dựng nguyên tắc đạo đức trong phát triển, triển khai và ứng dụng AI; các hoạt động AI bị nghiêm cấm; quản lý rủi ro đối với hệ thống AI và quy định đối với sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi AI.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, pháp lý về AI cần đầy đủ hơn và Việt Nam cần nghiên cứu cách tiếp cận của các quốc gia điển hình trên thế giới để xây dựng chính sách pháp luật cho mình.

Quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm do AI tạo ra thuộc về ai?- Ảnh 2.

Trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. ẢNH: C.T

Có mặt tại hội thảo, PGS-TS Lê Bộ Lĩnh, Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội, nguyên Phó tổng thư ký Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, nhận định: "Việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và đầy đủ để xử lý trách nhiệm pháp lý trong bối cảnh AI là hết sức cần thiết nhưng cũng rất khó khăn. Việt Nam cần tham khảo những kinh nghiệm từ các quốc gia khác để có thể xây dựng một hệ thống luật pháp phù hợp và thống nhất. Vấn đề đạo đức và hội nhập trong phát triển AI cũng cần được quan tâm. Cần có một bộ tiêu chuẩn đạo đức rõ ràng và minh bạch để đảm bảo rằng công nghệ này được phát triển và ứng dụng một cách công bằng và có trách nhiệm".

Các sản phẩm do AI tạo ra có thể được bảo hộ sở hữu trí tuệ?

Theo PGS-TS Lê Bộ Lĩnh, một trong những vấn đề pháp lý đầu tiên liên quan đến AI là quyền sở hữu trí tuệ. Trong quá trình phát triển AI, việc tạo ra các thuật toán, mô hình, và dữ liệu huấn luyện là rất quan trọng. Tuy nhiên, các quy định hiện tại về sở hữu trí tuệ chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ.

"Cụ thể, việc xác định ai là người sở hữu bản quyền các sản phẩm do AI tạo ra khá phức tạp. Nếu một AI tạo ra một tác phẩm nghệ thuật hay một chương trình phần mềm, thì câu hỏi đặt ra là liệu AI hay người lập trình ra AI đó có quyền sở hữu đối với sản phẩm này? Những quy định hiện hành có thể không hoàn toàn phù hợp, dẫn đến những tranh chấp tiềm ẩn trong tương lai", PGS-TS Lĩnh cho hay.

GS-TSKH Hoàng Văn Kiếm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng cho rằng một trong những thách thức pháp lý lớn nhất mà AI mang lại là việc xác định quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hoặc sáng chế do AI tạo ra.

"Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành chủ yếu bảo vệ các sản phẩm, sáng tạo do con người thực hiện. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của AI, đã xuất hiện những sản phẩm và sáng chế được tạo ra hoàn toàn tự động bởi các hệ thống AI mà không có sự can thiệp trực tiếp của con người. Điều này đặt ra một loạt câu hỏi về mặt pháp lý: Liệu các sản phẩm do AI tạo ra có thể được bảo hộ sở hữu trí tuệ như các sáng chế do con người thực hiện không? Nếu có, ai sẽ là chủ sở hữu của quyền này, người phát triển AI, công ty sở hữu AI, hay chính bản thân hệ thống AI?", GS-TS Hoàng Văn Kiếm đặt vấn đề.

Theo ông Kiếm, trên thế giới, vấn đề này cũng đang thu hút sự quan tâm lớn từ các tổ chức và quốc gia. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) hiện đang tiến hành nghiên cứu và thảo luận về các giải pháp pháp lý nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm sáng tạo từ AI được bảo vệ mà không làm mất đi quyền lợi của các nhà phát triển công nghệ. Một số quốc gia như Anh và Nhật Bản đã bắt đầu đưa ra các đề xuất về việc điều chỉnh luật sở hữu trí tuệ để thích ứng với sự phát triển của AI, mặc dù vẫn chưa có giải pháp hoàn chỉnh và nhất quán trên toàn cầu.


Nguồn:Thanh niên Copy link

TIN LIÊN QUAN