Vào thời điểm này, các nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL đã lần lượt ra mắt các chương trình nghệ thuật đặc sắc gắn với du lịch Thủ đô. Đây là chủ trương của Bộ nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm nghệ thuật biểu diễn tại không gian Phố cổ Hà Nội. Các chương trình đã mang đến cho người dân và du khách trong nước cũng như quốc tế những trải nghiệm nghệ thuật độc đáo, sinh động và có giá trị cao trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Chương trình “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn” với sự tham gia của 6 nhà hát thuộc Bộ VHTTDL
Hướng nghệ thuật tới khán giả đại chúng
Gần 2 năm trước, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tổ chức cuộc họp với 12 nhà hát nghệ thuật biểu diễn trực thuộc Bộ VHTTDL để bàn về kế hoạch tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh, nghệ thuật đương đại và nghệ thuật truyền thống tại không gian phố cổ Hà Nội. Mục tiêu là xây dựng chuỗi sản phẩm gắn liền với tên tuổi và thương hiệu của các nhà hát, đồng thời mang nghệ thuật tới gần hơn với khán giả đại chúng tại các điểm diễn công cộng, thu hút đông đảo người dân và du khách.
Trong tháng 12.2024, các nhà hát lần lượt ra mắt các chương trình nghệ thuật, có thể kể đến: Nhà hát Tuổi Trẻ với vở Ký ức trong tôi (ý tưởng kịch bản: Lại Huy Hoàng, đạo diễn: NSƯT Cao Ngọc Ánh) tại Sân khấu Gạch - Công viên Thống Nhất trong không gian Phố đi bộ Trần Nhân Tông vào tối 19 - 20.12; Nhà hát Cải lương Việt Nam công diễn vở Cành khế ngọt (tác giả kiêm đạo diễn: TS.NSND Triệu Trung Kiên) tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm vào tối 29 và 30.12.
Đặc biệt, chương trình nghệ thuật thực cảnh Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn vừa tổ chức tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long vào tối 29.12 theo Quyết định số 3722/ QĐ-BVHTTDL về việc triển khai “Chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh tại Hoàng thành Thăng Long”, trong khuôn khổ nhiệm vụ “Xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua xây dựng, tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ khách du lịch”. Thăng Long - Tứ trấn quy tụ sự tham gia của 6 nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Tạ Quang Đông, đồng thời là Tổng đạo diễn của chương trình.
Có thể thấy, thành công lớn nhất từ các chương trình này chính là việc thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô và du khách trong, ngoài nước. Đặc biệt, Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn đã thu hút hơn 1.600 khán giả, trong đó không ít người đã nhiệt tình đứng suốt 80 phút tại Hoàng thành Thăng Long để thưởng thức nghệ thuật.
Hội tụ, sáng tạo và cùng tỏa sáng
Các chương trình trong chuỗi sản phẩm nghệ thuật du lịch đều có sự tìm tòi và sáng tạo khác biệt. Ê kíp sản xuất đã nỗ lực để thu hút được nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là khách du lịch đến với Thủ đô.
Ngay việc lựa chọn địa điểm cũng đã thể hiện sự độc đáo: Nhà hát Tuổi Trẻ mạnh dạn chọn sân khấu tại Công viên Thống Nhất, một địa điểm lâu nay không tổ chức biểu diễn. Nhà hát Cải lương Việt Nam chọn Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Đặc biệt, Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn được tổ chức trong không gian sân khấu cực đại với ba tầng độc đáo, mang đến sự đa dạng và sáng tạo vượt trội…
Từ việc khai thác đề tài đến đầu tư dàn dựng, các chương trình đều thể hiện phong cách nghệ thuật đặc trưng của từng loại hình sân khấu. Riêng Thăng Long - Tứ trấn là sự phối hợp hài hòa giữa các nghệ sĩ thuộc 6 lĩnh vực sân khấu truyền thống và đương đại: Kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, xiếc và múa rối. Cùng với đó, những làn điệu chèo, tuồng, ca trù, hát xẩm, nhã nhạc, dân ca... đã được chắt lọc và trình bày tinh tế, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Hơn 450 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân cùng các em thiếu niên, nhi đồng đã cùng nhau tạo nên một bức tranh nghệ thuật đầy sức sống và cảm xúc, để lại dấu ấn khó quên trong lòng khán giả.
Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng cho biết: Đây là một sản phẩm nghệ thuật nhằm kích cầu du lịch và phát triển công nghiệp văn hóa. Chủ trương này đã tạo động lực cho các nhà hát thuộc Bộ VHTTDL hướng đến việc xây dựng những sản phẩm phục vụ nhu cầu của khán giả, đặc biệt là du khách trong và ngoài nước. Sự hợp tác giữa nhiều nhà hát quốc gia trong chương trình cũng thể hiện sức mạnh tổng hợp. Thành công của Thăng Long - Tứ trấn là cơ sở để các đơn vị tiếp tục phát triển những phiên bản tiếp theo.
Chia sẻ với Văn Hóa, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định: “Chuỗi các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn hướng tới phục vụ du khách đã thể hiện rõ khuynh hướng tìm tòi mới, bứt phá khỏi lối mòn trước đây. Trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực xây dựng nền công nghiệp văn hóa, mỗi sản phẩm nghệ thuật đều phải thực sự đặc sắc mới có thể chung tay kích cầu du lịch và thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa”.
Chương trình “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn” với sự tham gia của 6 nhà hát thuộc Bộ VHTTDL
Chương trình “Cành khế ngọt” của Nhà hát Cải lương Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm