Bản quyền tác phẩm AI: Ranh giới giữa ý tưởng và hình thức thể hiện

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự trỗi dậy của AI tạo sinh đang thách thức một nguyên tắc lâu đời và quan trọng của quyền tác giả: bảo hộ hình thức thể hiện chứ không bảo hộ ý tưởng.

Nếu sử dụng mạng xã hội trong những ngày gần đây, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh giống như trong phim của Ghibli – hãng phim hoạt hình Nhật Bản nổi tiếng với phong cách vẽ tay tỉ mỉ và đầy chất thơ. Tuy nhiên, đây là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI). Trong lần cập nhật mới nhất, OpenAI đã giới thiệu tính năng cho phép ChatGPT tạo hình ảnh theo phong cách của Ghibli. Ngay lập tức, những bức ảnh mô phỏng được người dùng chia sẻ rộng rãi, nhanh chóng tạo thành trào lưu trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến nhiều tranh cãi về quyền tác giả. Ngoài vấn đề quen thuộc là bản quyền đối với dữ liệu đào tạo AI, việc mô phỏng một phong cách độc đáo, khiến người xem liên tưởng đến tác phẩm của Ghibli như vậy có phải là hành vi xâm phạm quyền tác giả?

Câu hỏi này liên quan đến một trong những nguyên tắc lâu đời và quan trọng nhất của quyền tác giả: chỉ bảo vệ hình thức thể hiện của ý tưởng chứ không bảo vệ ý tưởng. Ví dụ với tác phẩm là một bức tranh cô gái đang đứng, mặc áo dài, cầm nón lá, quyền tác giả chỉ bảo hộ cho cách thức mà họa sĩ thể hiện nên bức tranh như màu sắc, đường nét, bố cục, hoa văn… chứ không bảo hộ cho ý tưởng về một cô gái đang đứng, mặc áo dài và cầm nón lá. “Do đó, việc sao chép bức tranh theo hình thức thể hiện như của họa sĩ là không được phép vì đó là hành vi xâm phạm quyền tác giả của họa sĩ đối với tác phẩm. Tuy nhiên, tác giả không thể ngăn cấm việc người khác cũng vẽ một bức tranh khác với bức tranh gốc nhưng cũng với hình ảnh cô gái đang đứng, mặc áo dài và cầm nón lá, vì đó chỉ là một ý tưởng”, ông Nguyễn Trần Hải Đăng ở Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK, thuộc Aliat Group, viết trên trang Facebook cá nhân.

Thể hiện ý tưởng dưới dạng vật chất

Cũng giống như nhiều nguyên tắc khác trong quyền tác giả, mục đích của nguyên tắc bảo vệ hình thức thể hiện ý tưởng nhằm cân bằng lợi ích giữa các bên và thúc đẩy sự sáng tạo. Bởi lẽ, việc học hỏi từ những người đi trước, “đứng trên vai người khổng lồ” để tạo ra những tác phẩm mới là điều hết sức bình thường. Chẳng hạn như tranh tĩnh vật thường vẽ các vật “tĩnh” phổ biến trong cuộc sống hằng ngày như hoa, quả, các đồ vật nào đó. Nếu ai đó bảo hộ ý tưởng của tranh tĩnh vật thì các họa sĩ sau đó sẽ không được phép vẽ loại tranh này. Như vậy, cánh cửa sáng tạo sẽ bị thu hẹp, ảnh hưởng đến các tác giả cũng như công chúng không còn được thưởng thức nhiều tác phẩm mới.

Đây là nét đặc trưng của quyền tác giả, khác với các lĩnh vực khác trong sở hữu trí tuệ như sáng chế. “Ý tưởng bản thân nó có thể được bảo hộ dưới dạng sáng chế”, theo luật sư Lê Quang Vinh ở Công ty Sở hữu trí tuệ Bross & Partners. “Đối với sáng chế, một người đã công bố công khai ý tưởng của mình thì không có cách nào khác để có thể ngăn chặn người khác sử dụng ý tưởng đó, trong khi ý tưởng ngay sau khi được thể hiện thì bảo hộ quyền tác giả lại chính là bảo hộ cho hình thức thể hiện của ý tưởng dưới dạng câu từ, ghi chép, bản vẽ. Do vậy, chỉ có hình thức thể hiện của ý tưởng mới có thể được bảo hộ quyền tác giả chứ bản thân ý tưởng đó thì không được”.

Vụ kiện liên quan đến bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” giữa họa sĩ Lê Phong Linh (Lê Linh) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật tin học Phan Thị (Công ty Phan Thị). Nguồn: Dân Việt

Nguyên tắc này đã được áp dụng trong nhiều vụ tranh chấp quyền tác giả ở Việt Nam cũng như thế giới. Đơn cử như vụ kiện liên quan đến bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” giữa họa sĩ Lê Phong Linh (Lê Linh) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật tin học Phan Thị (Công ty Phan Thị). Năm 2001, họa sĩ Lê Linh làm việc tại Công ty Phan Thị, được giao nhiệm vụ vẽ bộ truyện dân gian chuyển thể các điển tích và nhân vật trạng ngày xưa, ông đã sáng tác bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” từ tập 1-78 với các nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo và Cả Mẹo. Sau khi ngừng làm việc với Phan Thị, đến năm 2007, ông Linh phát hiện Công ty Phan Thị đã thuê các họa sĩ khác tiếp tục sử dụng bốn hình tượng nhân vật này để thực hiện các tập truyện “Thần đồng Đất Việt” cũng như các ấn phẩm khác mà không xin phép. Do vậy, họa sĩ Lê Linh đã khởi kiện, yêu cầu công nhận ông là tác giả duy nhất của bốn hình tượng nhân vật nêu trên từ tập 1-78, không công nhận bà Phan Thị Mỹ Hạnh (người đứng đầu Công ty Phan Thị) là đồng tác giả.

Nhưng phía bà Hạnh không đồng ý công nhận ông Linh là tác giả duy nhất. Theo bà Hạnh, ông Linh đã ký một văn bản vào năm 2002 công nhận bà Hạnh là đồng tác giả, đồng thời chuyển toàn bộ quyền sở hữu bốn hình tượng trên cho Công ty Phan Thị. Ngoài ra, bà Hạnh cho rằng mình là người đầu tiên có ý tưởng, định hình rõ ràng trong đầu về các nhân vật trong “Thần đồng Đất Việt”, sau đó thuê các họa sĩ, trong đó có ông Linh, để vẽ ra các nhân vật. Trong quá trình đó, bà Hạnh đích thân chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, bốn hình tượng trên hoàn toàn trùng khớp với tác phẩm trong thế giới tinh thần của bà Hạnh.

Tất nhiên, Tòa án không đồng ý với lập luận của bà Hạnh. Theo luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký. Như vậy, các nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo và Cả Mẹo phải được thể hiện bằng đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục thì mới được công nhận là tác phẩm và được pháp luật bảo hộ, nếu việc “định hình” các nhân vật này chỉ nằm trong ý tưởng thì không phải là tác phẩm và người “định hình” về ý tưởng nhưng không trực tiếp sáng tạo nên hình khối, bố cục, màu sắc, đường nét thì không phải là tác giả của hình thức thể hiện các nhân vật trên. Do đó, tòa án chỉ công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của hình tượng bốn nhân vật trong bộ truyện này.

Khó xác định ranh giới

Dù được quy định rõ ràng trong pháp luật Việt Nam cũng như quốc tế song trên thực tế, việc áp dụng nguyên tắc này không đơn giản. “Ranh giới giữa ý tưởng và sự thể hiện ý tưởng không phải bao giờ cũng dễ dàng vạch ra. Rất khó để có câu trả lời, khi nào ý tưởng kết thúc và khi nào sự thể hiện của ý tưởng bắt đầu?”, TS. Lê Vũ Vân Anh ở Đại học Durham (Vương quốc Anh), nhận xét trong một bài viết trên IPLovers. “Có thể nói cặp đôi ý tưởng/thể hiện (the idea/expression dichotomy) là khái niệm khó nhất trong luật bản quyền”.

Thế nào là hình thức thể hiện của ý tưởng? Liệu “phong cách”, “dấu ấn cá nhân” của tác giả có phải là hình thức thể hiện của ý tưởng không? “Về vấn đề này, quan điểm của tòa án trong các vụ việc thực tế thường nghiêng về hướng không xem phong cách là đối tượng bảo hộ quyền tác giả”, theo ông Nguyễn Trần Hải Đăng. “Như vậy, nhìn một cách phiến diện, nếu áp dụng quy định pháp luật về quyền tác giả, có vẻ như hành vi của OpenAI không xâm phạm quyền tác giả của Ghibli. Tuy nhiên, trên thực tế, những tác động tiêu cực đến studio này là không thể bàn cãi. Đó không chỉ là tác động về mặt vật chất khi người dùng hoàn toàn có thể tạo ra một bộ truyện tranh hoặc phim hoạt hình có phong cách hình ảnh tương tự như Ghibli gây nhầm lẫn cho độc giả/khán giả; mà còn là tác động về mặt tinh thần khi những họa sĩ là cha đẻ của phong cách này sẽ phải nhìn đứa con tinh thần của mình bị nhân bản vô tính một cách tràn lan”.

Nhiều người cho rằng việc ChatGPT mô phỏng theo phong cách Ghibli cũng giống như nghệ sĩ học hỏi phong cách của những người đi trước. Tuy nhiên, quan điểm này đang hiểu sai bản chất của công việc sáng tạo. “Nếu một nghệ sĩ là con người học hỏi kỹ thuật vẽ của Ghibli, họ đang tham gia vào quá trình học hỏi và sáng tạo nghệ thuật đã có từ nhiều thế kỷ. Họ tiếp thu và chuyển đổi dưới góc độ cá nhân để tạo ra một tác phẩm mới. Đó là sự tiến hóa chứ không phải sao chép”, nhà thiết kế công nghiệp Sarang Sheth nhận xét trên Yanko Design. “Ngược lại, các hệ thống AI được thiết kế đặc biệt để sao chép các phong cách hiện có theo yêu cầu. Chúng không ‘học’ theo cách của con người – chúng mô hình hóa các mẫu theo thống kê và tái tạo với các biến thể. Không có hành trình nghệ thuật, không có nỗ lực, không có sự tiến hóa về khía cạnh cá nhân. Kết quả là san bằng tính đa dạng nghệ thuật – các phong cách mới xuất hiện có thể bị bắt chước và mô phỏng hàng loạt ngay lập tức”.

Giữa những mơ hồ về ranh giới thể hiện – ý tưởng, các nhà sáng tạo nên làm gì để tự bảo vệ mình cũng như tránh vi phạm bản quyền? Theo TS. Lê Vũ Vân Anh, “những người tìm cách tạo ra một sản phẩm có cùng mô tả với sản phẩm mà người khác sở hữu bản quyền phải cẩn thận. Nếu anh ta sao chép các chi tiết đúng với cách diễn đạt chứ không phải khái niệm cơ bản, anh ta sẽ vi phạm bản quyền. Đó là lý do tại sao, khi ý tưởng cơ bản được thể hiện ở dạng thô thiển hoặc đơn giản, kẻ đạo văn tiềm năng hoặc đối thủ cạnh tranh kinh doanh có thể tiến rất gần đến bản sao chính xác của tác phẩm có bản quyền. Nhưng nếu cách diễn đạt công phu, phức tạp hoặc chi tiết thì anh ta phải giữ khoảng cách: sản phẩm duy nhất anh ta tạo ra mà không vi phạm có thể không giống với tác phẩm có bản quyền”.


Source:Trang tin Tia sáng Copy link

TIN LIÊN QUAN