Tác phẩm số hay tác phẩm điện tử trên môi trường không gian mạng đang phát triển nhanh chóng. Quyền sao chép tác phẩm số nhằm phục vụ mục đích giáo dục sẽ giúp tăng cường khả năng tiếp cận tri thức.
Báo cáo thống kê tăng trưởng công nghệ đầu năm 2024 của Gitnux cho thấy, việc tạo ra dữ liệu đang tăng lên theo cấp số nhân, dự báo đến năm 2025 sẽ gấp hơn 5 lần so với năm 2018. Dựa trên những phân tích tổng quan về thị trường kỹ thuật số tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2023, số lượng các tác phẩm số trong những năm gần đây được ghi nhận gia tăng đáng kể, đặt ra nhu cầu về tiếp cận tác phẩm số cho mục đích giáo dục, trong đó có quyền sao chép tác phẩm số.
Quyền sao chép là một trong những quyền tài sản của quyền tác giả đối với tác phẩm. Theo Nghị định 85/2022/NĐ-CP, sửa đổi khoản 2, Điều 23, Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định quyền sao chép là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao của tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử.
Để tránh việc thương mại hóa bất hợp pháp các bản sao có khả năng gây tổn hại cho tác giả và chủ sở hữu tác phẩm bị sao chép, pháp luật hiện hành đặt ra những giới hạn nhất định đối với quyền tác giả. Đa phần các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố đều phải xin phép tác giả và chủ sở hữu tác phẩm trước khi thực hiện sao chép. Nếu hoạt động sao chép có mục đích thương mại, thì cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm phải trả tiền bản quyền và phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Dù vậy, tại Việt Nam cũng như các quốc gia phát triển đều có những quy định về sử dụng hợp lý (fair use), một trong các ngoại lệ của quyền tác giả. Đối với trường hợp hoạt động liên quan đến môi trường giáo dục, quyền sao chép tác phẩm số xem xét đến hành vi sao chép hợp lý. Đơn cử, Đạo luật bản quyền Hoa Kỳ năm 1976 quy định, việc đánh giá hoạt động sao chép hợp lý đối với tác phẩm của người khác dựa trên bốn khía cạnh: mục đích và đặc điểm của việc sao chép có nhằm mục đích giáo dục phi lợi nhuận; bản chất của tác phẩm nói chung và tác phẩm số nói riêng được bảo hộ; số lượng và nội dung sao chép trong tác phẩm số được bảo hộ như một tổng thể; tác động của việc sao chép đối với tiềm năng thương mại trên thị trường hoặc đối với giá trị của tác phẩm được bảo hộ trên môi trường số.
Hiện nay, tại Việt Nam, cá nhân có thể tự sao chép một bản áp dụng đối với các trường hợp nghiên cứu khoa học, học tập hoặc giảng dạy của cá nhân không nhằm mục đích thương mại. Trường hợp sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu, việc sao chép không quá một bản. Đồng thời, thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, pháp luật của nhiều nước cho phép sao chép một phần nội dung của tác phẩm, trong đó tỷ lệ bao nhiêu còn tùy thuộc vào quy định mỗi nước. Tại Singapore, tỷ lệ sao chép không được vượt quá 10% tác phẩm; tại Anh con số này là không quá 20% tác phẩm; còn tại Pháp, tỷ lệ được phân chia quy định theo các thể loại văn bản, bao gồm tối đa 10% đối với sách và 30% đối với tạp chí.
Nhằm khuyến khích sử dụng tác phẩm vì mục đích nhân văn, nhân đạo, khoản 1, Điều 25a, Luật Sở hữu trí tuệ quy định về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật. Trong đó, người khuyết tật, người nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật được quyền sao chép, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm dưới định dạng “bản sao dễ tiếp cận của tác phẩm” khi có quyền tiếp cận hợp pháp với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. Cụ thể, bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận là bản sao của tác phẩm được thể hiện bằng một phương thức hay định dạng khác dành cho người khuyết tật; chỉ được sử dụng cho mục đích cá nhân của người khuyết tật và có thể có những điều chỉnh kỹ thuật phù hợp, cần thiết để người khuyết tật có thể tiếp cận tác phẩm phục vụ mục đích học tập.
Ngoài ra, việc chuyển đổi tác phẩm từ các hình thức truyền thống như văn bản giấy, hay loại hình phổ biến trên không gian số hiện nay là văn bản điện tử sang dạng chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác dành cho người khiếm thị được quy định thuộc trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao.