Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống tại một số quốc gia trên thế giới: Một cách tiếp cận mới cho Việt Nam

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ” tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ[1]. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò quan trọng nhằm thể chế hoá các đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở đó, Luật SHTT năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2022 với nhiều điểm mới so với hai lần sửa đổi trước đó vào năm 2009 và 2019. Tuy nhiên, Luật SHTT hiện hành vẫn còn thiếu các chính sách bảo hộ tổng thể nhằm phát huy các giá trị tri thức truyền thống của cộng đồng và “sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam” đã được cụ thể hoá trong nhiều nội dung quan trọng tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

 Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống tại một số quốc  gia trên thế giới: Một cách tiếp cận mới cho Việt Nam

1. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống theo pháp luật Ấn Độ

Ấn Độ được biết đến là một trong những quốc gia có hệ thống tri thức y học cổ truyền đa dạng nhất trên thế giới với hệ thống các dược liệu truyền thống được ứng dụng chữa bệnh theo các phương pháp Ayurveda, SiddhaUnani từ những năm 2500 đến 500 trước Công nguyên[8]. Ngoài ra, với nền văn minh hơn 5000 năm Ấn Độ còn là một trong bốn cái nôi của nền văn minh nhân loại[9]. Vì vậy, Ấn Độ đã có những chính sách tổng thể về bảo hộ các đối tượng tri thức truyền thống từ rất sớm, thông qua hai cơ chế chủ yếu:

Thứ nhất, thông qua cơ chế bảo hộ phòng thủ.

Cơ chế bảo hộ này nhằm thiết lập việc ngăn chặn các bên thứ ba xác lập quyền SHTT trái phép đối với tri thức truyền thống theo hai hướng:

Một là, thiết lập các biện pháp pháp lý về SHTT để công nhận tri thức truyền thống là tình trạng kỹ thuật đã biết nhằm loại bỏ tính mới các sáng chế cấp trái phép. Thông qua Đạo Luật Sáng chế số 39 năm 1970 về sáng chế của Ấn Độ (The Patents Act, No. 39 of 1970) sau này được sửa đổi năm 2002 và 2005 để phù hợp với Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) không cho phép bảo hộ sáng chế tri thức truyền thống theo Mục 3 (p“Không cấp patent cho những phát minh là những tri thức truyền thống đã được biết đến hoặc là tập hợp những dấu hiệu hay là sự sao chép những thông tin đã được biết đến dựa trên tri thức truyền thống. Dựa vào những quy định này, Ấn Độ đã từ chối và yêu cầu huỷ các sáng chế được cấp trái phép ngoài lãnh thổ như trường hợp: bằng sáng chế có chiết xuất Azadirachtin trong cây Neem một loại dược liệu truyền thống tại Ấn Độ được cấp tại Hoa Kỳ và Châu Âu; sáng chế cấp tại Hoa Kỳ liên quan đến “ngũ cốc Basmati” vì liên quan đến giống gạo Basmati một loại gạo thơm đã được trồng từ nhiều thế kỷ trước ở Ấn Độ và Pakistan[10]… Lý giải cho những phản đối này, Ấn Độ chỉ rõ “tình trạng kỹ thuật đã biết” liên quan đến các sản phẩm từ tri thức truyền thống, dẫn đến không đảm bảo điều kiện tính mới sáng chế là cơ sở để Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) và Văn phòng Bằng sáng chế châu Âu (EPO) từ chối đơn đăng ký và huỷ các văn bằng sáng chế được cấp không đúng quy trình.

Hai là, tạo cơ sở dữ liệu số về tri thức truyền thống làm cơ sở các cơ quan đăng ký sáng chế trên thế giới tra cứu tính mới. Thư viện số tri thức truyền thống (Traditional Knowledge Digital Library - TKDL), được khởi xướng tại Ấn Độ vào năm 2001. Thư viện số tri thức truyền thống của Ấn Độ chứa hơn 34 triệu trang thông tin định dạng trên 2.260.000 công thức các bài thuốc cổ truyền bằng tiếng Phạn (Sanskrit), tiếng Ả Rập, tiếng Ba Tư (Persian), tiếng Urdu và tiếng Tamil. Đã được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Tây Ban Nha. Thư viện dữ liệu tri thức truyền thống được lưu trữ bằng file điện tử và phân loại như một hệ thống phân loại sáng chế quốc tế với mục đích làm cơ sở đối sánh sáng chế để ngăn chặn việc cấp bằng sáng chế cho các sản phẩm được phát triển từ tri thức truyền thống của Ấn Độ[11].

Thứ hai, thông qua cơ chế bảo hộ tích cực.

Cơ chế bảo hộ này nhằm mục đích cấp quyền SHTT đối với tri thức truyền thống cho cộng đồng bản địa và cho phép họ thực hiện kiểm soát việc sử dụng kiến thức đó, cũng như hưởng lợi từ việc khai thác thương mại tri thức truyền thống, Ấn Độ tiến hành thông qua các nội dung:

Một là, thiết lập hệ thống SHTT thông qua bảo hộ các đối tượng tri thức truyền thống cho cộng đồng bản địa. Thông qua Đạo luật Chỉ dẫn địa lý hàng hoá năm 1999 của Ấn Độ, đây được xem là một hình thức bảo hộ phù hợp với các cộng đồng bản địa nắm giữ tri thức truyền thống với nguyên tắc không được phép sử dụng chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm được sản xuất ở ngoài khu vực địa lý. Điều này tạo điều kiện cho các chỉ dẫn địa lý truyền thống tại Ấn Độ được bảo hộ thành công nổi tiếng trên thế giới như: trà Darjeeling, xoài Alphonso, cam Nagpur, dép thủ công tại Kolhapuri Chappal…[12] Ngoài ra, Ấn Độ còn mở rộng bảo hộ tri thức truyền thống ra các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp khác thông qua nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hay thậm chí cả bí mật kinh doanh nếu thỏa mãn các điều kiện bảo hộ như một đối tượng SHTT thông thường.

Hai là, thiết lập hệ thống bảo hộ riêng (sui generis) về bảo hộ nguồn gen di truyền có nguồn gốc tri thức truyền thống. Trên cơ sở thực thi quy định tại Điều 27.3 (b) của Hiệp định TRIPS, Ấn Độ đã thiết lập các quy định sui generis thông qua việc ban hành Đạo luật Bảo vệ giống cây trồng và Quyền của nông dân năm 2001 (Đạo luật PPR) có hiệu lực hoàn toàn vào năm 2007[13]. Với mục đích là nông dân và các nhóm bộ lạc duy trì, bảo tồn nhiều loại giống cây trồng bản địa thông qua việc sử dụng các kỹ thuật nông nghiệp thông thường, sẽ được chia sẻ lợi ích và ghi nhận sự đóng góp của nông dân vào việc sản xuất một giống mới. Tại Điều 26, Đạo luật PPVFR quy định rằng nhà tạo giống thương mại phải chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc đăng ký giống với nông dân hoặc cộng đồng truyền thống, những người đã đóng góp cho việc phát triển giống cây trồng. Số tiền được xác định trên cơ sở xem xét mức độ và tính chất của việc sử dụng vật liệu di truyền, lợi ích thương mại và nhu cầu thị trường đối với giống mới. Số tiền này sẽ được gửi vào quỹ gen quốc gia và sử dụng để thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích bao gồm các biện pháp bảo tồn nguồn gen thực vật có nguồn gốc từ tri thức truyền thống [14].

Ba là, Chính phủ Ấn Độ còn kết hợp tiến hành các sáng kiến cùng với hệ thống pháp lý nhằm bảo hộ tổng thể đối tượng tri thức truyền thống như: khởi xướng các phong trào “Beej Bachao Andolan” nhằm truy tìm sự đa dạng của hạt giống bản địa và các hoạt động bảo tồn của cộng đồng địa phương[15]; xây dựng mạng lưới Honey Bee Network về cơ sở dữ liệu tri thức truyền thống đối với biểu hiện văn hoá dân gian và bài thuốc cổ truyền [16]; thành lập Quỹ Đổi mới Quốc gia (NIF) nhằm cung cấp hỗ trợ về mặt thể chế cho việc tìm kiếm, nhân giống, bảo vệ và nhân rộng các công nghệ cơ sở, cũng như tri thức truyền thống nổi bật[17].

Có thể nói rằng, Ấn Độ đã xây dựng một hệ thống bảo hộ toàn diện và đầy đủ cho tri thức truyền thống với hai chế độ bảo hộ: (i) bảo hộ phòng thủ; (ii) bảo hộ tích cực[18]. Ấn Độ lựa chọn việc tiếp cận bảo hộ quyền SHTT cho các đối tượng tri thức truyền thống theo khía cạnh bảo tồn, phát triển các đối tượng tri thức truyền thống đặt lên trên các khía cạnh lợi ích thương mại. Điểm chung các chính sách này chú trọng đến bảo vệ quyền lợi và chia sẻ lợi ích cho cộng đồng bản địa theo định hướng phát triển bền vững.

2. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống theo pháp luật Trung Quốc

Trung Quốc có hệ thống tri thức truyền thống phong phú cả trên phương diện tri thức vật thể và phi vật thể. Vì vậy, để bảo vệ cho nguồn tri thức truyền thống, Trung Quốc cũng thiết lập hệ thống bảo hộ theo hai mô hình bảo hộ tích cực và bảo hộ phòng thủ, cụ thể.

Thứ nhất, theo cơ chế bảo hộ tích cực.

Một là, thông qua hệ thống pháp luật SHTT. Khác với trường hợp Ấn Độ, Trung Quốc cho phép cấp các sáng chế có nguồn gốc từ tri thức truyền thống, cụ thể Luật Sáng chế Trung Quốc trải qua ba giai đoạn phát triển quan trọng liên quan đến bảo hộ tri thức truyền thống, bao gồm: Giai đoạn một (19985 – 1992) giai đoạn này không quy định bảo hộ liên quan đến đối tượng sáng chế y học cổ truyền; Giai đoạn hai (1993 – 2000) với những sửa đổi mở rộng quy định bảo hộ sáng chế các loại dược phẩm truyền thống đối với sản phẩm, phương pháp và cách sử dụng; Giai đoạn ba (2001 – 2020) trải qua bốn lần sửa đổi (gần nhất năm 2020) phạm vi bảo hộ đối tượng sáng chế có nguồn gốc y học cổ truyền được mở rộng cả về hình thức sáng chế và thời gian bảo hộ[19]. Mặc dù vậy, cũng giống như tại Việt Nam những sáng chế có nguồn gốc về tri thức truyền thống tại Trung Quốc thường rất khó vượt qua các rào cản về điều kiện bảo hộ để được cấp bằng độc quyền sáng chế, cụ thể: (i) rào cản thực chất về tính mới, khi nguyên tắc cơ bản của chế độ cấp bằng sáng chế của Trung Quốc là một đổi mới được coi là tính mới nếu nó không được dự đoán trước bằng tình trạng kỹ thuật ngay trước ngày nộp đơn đăng ký bằng sáng chế[20]. Bởi vì, những tri thức truyền thống tại Trung Quốc đã được hệ thống hoá, ghi lại hoặc truyền miệng trong dân gian làm cơ sở dẫn đến loại trừ “tính mới” của sáng chế[21]; (ii) rào cản hành chính về việc cung cấp thông tin tạo ra sáng chế trong quy trình đăng ký khi đơn đăng ký sáng chế phải bao gồm tên và địa chỉ cụ thể của người nộp đơn và tác giả sáng chế (Điều 26 Luật Sáng chế Trung Quốc), nhưng việc xác định tác giả chính xác của tri thức truyền thống không khả thi khi tri thức truyền thống đã tồn tại một thời gian dài và chuyển giao qua nhiều thế hệ.

Vì vậy, nhằm đảm bảo sự tương thích của hệ thống SHTT với tri thức truyền thống, Trung Quốc đã thực hiện các chính sách khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D) tri thức truyền thống trong nước nhằm tạo ra nhiều sản phẩm, quy trình khác biệt trên nền tảng tri thức truyền thống thoả mãn điều kiện tính mới sáng chế. Ngoài ra, chính sách phân cấp bảo hộ tri thức truyền thống theo các cấp độ khác nhau được triển khai theo ba cấp độ như: tri thức truyền thống bí mật; tri thức truyền thống được cộng đồng và địa phương nắm giữ; tri thức truyền thống ở cấp độ quốc gia, trong đó các tri thức truyền thống bí mật chưa được công bố có khả năng đảm bảo điều kiện tính mới được ưu tiên bảo hộ theo đối tượng bằng độc quyền sáng chế[22]. Bên cạnh đó Trung Quốc còn áp dụng hệ thống pháp luật về SHTT thông thường để bảo hộ tri thức truyền thống bao gồm nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cơ sở dữ liệu và cả bí mật kinh doanh cho các đối tượng tri thức truyền thống không đáp ứng điều kiện bảo hộ sáng chế.

Hai là, thông qua cơ chế bảo hộ riêng (sui generis). Trung Quốc đã thiết lập hệ thống bảo hộ riêng độc lập với hệ thống bảo hộ SHTT cho đối tượng y học cổ truyền thông qua ban hành Quy định về bảo vệ các loại y học cổ truyền Trung Quốc năm 1992. Quy định này có các nội dung đáng chú ý như:

(1) Về phạm vi bảo hộ. Nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất thuốc cổ truyền được sản xuất trong nước bao gồm các loại thuốc truyền thống Trung Quốc được chuẩn bị, chiết xuất và các chế phẩm từ dược liệu, cũng như các loại thuốc nhân tạo truyền thống của Trung Quốc (Điều 2). Ngoài ra, quy định này chỉ bảo hộ đối với các loại hình y học cổ truyền mà không thuộc đối tượng cấp bằng sáng chế (theo Luật Bằng sáng chế).

(2) Về cấp độ bảo hộ. Quy định về bảo vệ các loại y học cổ truyền Trung Quốc năm 1992 chia làm hai cấp độ bảo vệ đối với y học cổ truyền, cụ thể: (i) Cấp độ một, nếu y học cổ truyền có tác dụng chữa bệnh đặc biệt đối với một căn bệnh nhất định, được sử dụng để phòng ngừa và chữa các bệnh đặc biệt… thời gian bảo hộ lần lượt là ba mươi năm, hai mươi năm và mười năm; (ii) Cấp độ hai, nếu đã từng được liệt kê dưới sự bảo vệ hạng nhất nhưng hiện đang bị hủy bỏ; có tác dụng chữa bệnh vượt trội đối với một căn bệnh nhất định;… thời gian bảo hộ là bảy năm. Thời hạn bảo hộ có thể gia hạn sáu tháng trước ngày hết hạn bảo hộ.

(3) Về nội dung bảo hộ. Trong thời gian bảo hộ, các đơn thuốc và kỹ thuật dược phẩm của các loại y học cổ truyền Trung Quốc sẽ được giữ bí mật và sẽ không được công bố bởi các doanh nghiệp sản xuất, các cơ quan có thẩm quyền sản xuất và kinh doanh y học cổ truyền Trung Quốc, các bộ phận hành chính y tế công cộng và các đơn vị hoặc cá nhân khác có liên quan.

(4) Về chế tài xử lý vi phạm. Đối với những hành vi tự ý tiết lộ bí mật về thông tin y học cổ truyền được bảo vệ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc trách nhiệm hình sự nếu cấu thành tội phạm. Những hành vi tự ý sản xuất thuốc có nguồn gốc y học cổ truyền không có sự chấp thuận được xử lý như trường hợp thuốc giả bị xử lý hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự[23].

Thứ hai, theo cơ chế bảo hộ phòng vệ.

Tương tự như Ấn Độ, Trung Quốc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu về y học truyền thống làm cơ sở đối chứng tính mới ngăn chặn bên thứ ba xác lập quyền SHTT trái phép liên quan đến tri thức truyền thống. Cơ sở dữ liệu y học truyền thống lớn nhất Trung Quốc được thiết lập bởi Viện Thông tin Y học Cổ truyền Trung Quốc (Cơ sở dữ liệu Y học Cổ truyền Trung Quốc), bao gồm khoảng 48 loại cơ sở dữ liệu, sở hữu 120.000 mục liên quan đến y học cổ truyền của Trung Quốc. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu bằng sáng chế về y học cổ truyền Trung Quốc được Văn phòng SHTT nhà nước quản lý và duy trì, bao gồm hơn 22.000 hồ sơ bằng sáng chế liên quan đến y học cổ truyền của Trung Quốc thông qua tiếng Quan Thoại là ngôn ngữ chính thức chung[24].

Từ việc phân tích các chính sách bảo hộ tri thức truyền thống, có thể nói Trung Quốc có nhiều nét tương đồng với Ấn Độ trong việc xây dựng hệ thống bảo hộ đối tượng tri thức truyền thống một cách tổng thể. Tuy nhiên, Trung Quốc tập trung vào các cơ chế bảo hộ tích cực và khai thác các khía cạnh thương mại của tri thức truyền thống (cho phép cấp sáng chế có nguồn gốc tri thức truyền thống) song hành cùng chính sách bảo hộ đặc thù riêng (sui generis).

3. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống theo pháp luật Peru

Peru là một quốc gia nằm ở tây bắc khu vực Nam Mỹ với mức độ đa dạng sinh học cao và là nơi chung sống của 55 nhóm người bản địa đa dạng về sắc tộc và tôn giáo[25]. Vì vậy, Peru đã xây dựng một hệ thống pháp luật cả trong nước và quốc tế để bảo vệ toàn diện đối tượng tri thức truyền thống. Cụ thể:

Trên bình diện quốc tế quốc tế: Peru cùng cộng đồng các nước thành viên của Andean đã thông qua Quyết định 345 năm 1993 về cơ chế chung trong tiếp cận nguồn gen và sau đó được sửa đổi bởi Quyết định 391 năm 1991 bao gồm các điều khoản liên kết các cơ quan SHTT với những người có quyền tiếp cận nguồn gen. Đến năm 2000, Cộng đồng Andean tiếp tục thông qua Quyết định 486 Chế độ sở hữu công nghiệp với mục tiêu gắn kết đa dạng sinh học với sở hữu công nghiệp. Điều 3 của Quyết định 486 đảm bảo rằng quyền sở hữu công nghiệp do các thành viên cấp sẽ được thực hiện theo cách tôn trọng và bảo vệ di sản sinh học và di truyền của cộng đồng bản địa, người Mỹ gốc Phi hoặc địa phương[26].

Trên bình diện quốc gia: Năm 1996, Đạo luật số 832 về Luật Sở hữu công nghiệp của Peru đã ban hành quy định về việc công nhận khả năng xây dựng cơ chế bảo hộ đặc biệt đối với tri thức của người bản địa (Điều 63). Đến năm 1997, Peru lại tiếp tục ban hành Luật số 26839 về Bảo tồn và sử dụng Bền vững Đa dạng sinh học, liên quan đến bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học bản địa. Tuy nhiên, thành công nhất trong xây dựng hệ thống pháp luật về bảo hộ tri thức truyền thống tại Peru đó là việc ban hành Luật số 27811 về Cơ chế bảo hộ Tri thức tập thể của người bản địa liên quan đến Đa dạng sinh học năm 2002. Đây được xem là một trong những cơ chế sui generis đầu tiên trên thế giới được ban hành với hai mục đích chính: (i) nhằm bảo đảm sự kiểm soát của cộng đồng người bản địa đối với việc sử dụng tri thức truyền thống và thu lợi từ tri thức; (ii) ngăn chặn tình trạng cấp các sáng chế có nguồn gốc từ tri thức truyền thống [27]. Luật số 26839 về Bảo tồn và sử dụng Bền vững Đa dạng sinh học Peru có những nội dung quy định quan trọng về tri thức truyền thống bao gồm:

Thứ nhất, định nghĩa khái niệm tri thức tập thể (collective knowledge) là “tri thức được phát triển, tích lũy và chuyển giao qua nhiều thế hệ bởi các cộng đồng và người bản địa liên quan đến thuộc tính, cách sử dụng và đặc điểm của nguồn tài nguyên đa dạng sinh học” (Điều 2.a) theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng ra cả đối tượng áp dụng đối với các biểu đạt văn hoá liên quan đến nguồn tài nguyên đa dạng sinh học.

Thứ hai, xác định chủ sở hữu, tổ chức đại diện và cơ quan bảo vệ cho tri thức truyền thống. Chủ sở hữu các tri thức truyền thống được xác định là các người dân bản địa, theo Điều 2.1 Luật số 26839 xác định “người bản địa” chính là những thổ dân nắm giữ các tri thức truyền thống trước khi thành lập Nhà nước Peru và có nền văn hoá riêng trên một khu vực lãnh thổ cụ thể và thuật ngữ “bản địa” tương đồng với từ “thổ dân”, “truyền thống”, “dân tộc”… Luật số 26839 xác định tổ chức đại diện tri thức truyền thống do chính dân tộc bản địa bầu ra (Điều 14), ngoài ra còn thiết lập một cơ quan bảo vệ tri thức truyền thống cho người dân bản địa dưới tên gọi “Ban bảo vệ tri thức bản địa” gồm 5 người trong đó 3 người được chỉ định bởi người dân bản địa và 2 người do Uỷ ban quốc gia về các dân tộc Andean, Amazon và Afro-Peru chỉ định (Điều 65).

Thứ ba, về công cụ bảo hộ: Luật số 26839 bảo vệ tri thức truyền thống thông qua: (i) hệ thống đăng ký tri thức truyền thống; và (ii) li-xăng (thông qua chuyển giao hợp đồng). Đối với hệ thống đăng ký tri thức truyền thống, theo Điều 15 Luật 27811 quy định theo ba phương thức đăng ký: Đăng ký công khai tại Cơ quan đăng ký quốc gia; Đăng ký qua cơ chế bảo mật thông tin; Đăng ký tại địa phương. Hệ thống đăng ký đa tầng này được xem như là một cơ chế kiểm soát và bảo tồn tri thức truyền thống ngăn chặn tình trạng thất truyền hay “chảy máu” tri thức ra ngoài cộng đồng, quốc gia. Đối với công cụ bảo hộ thông qua li-xăng tri thức truyền thống được đảm bảo dựa trên hai phương thức: (i) sự chấp thuận trước của người bản địa thông qua tổ chức đại diện của người bản địa (Điều 6); (ii) cơ chế chia sẻ lợi ích thông qua mức phí bản quyền khi đàm phán li-xăng tri thức truyền thống (Điều 7).

Thứ tư, chế tài xử lý xâm phạm tri thức truyền thống. Được quy định các Điều 62 Luật số 27811 đặt ra nhiều biện pháp xử lý, bao gồm (i) biện pháp hành chính với mức phạt tiền tối đa là 150 đơn vị thuế; (ii) biện pháp tạm thời như tịch thu hàng hoá, kiểm soát việc thông quan và nhập khẩu hàng hoá,….; (iii) biện pháp hình sự.

Có thể nói, Chính phủ Peru đã giành một sự quan tâm rất lớn đến bảo hộ tri thức truyền thống thông qua việc phát triển song hành hệ thống bảo hộ trong nước và trong phạm vi khu vực, quốc tế. Khác với mô hình Ấn Độ hay Trung Quốc trong việc bảo hộ tổng thể đối tượng tri thức truyền thống, Peru tập trung thiết lập một hệ thống pháp luật bảo hộ riêng (sui generis) làm cơ sở bảo vệ tri thức truyền thống và chia sẻ lợi ích cho cộng đồng bản địa. Đây là mô hình có giá trị tham khảo cho việc xây dựng các hệ thống sui generis trên toàn cầu trong đó có Việt Nam.

4. Đánh giá thực trạng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống tại một số quốc gia

Qua việc nghiên cứu thực trạng bảo hộ đối tượng tri thức truyền thống tại ba quốc gia điển hình là: Ấn Độ; Trung Quốc và Peru có một số nhận xét, đánh giá như sau:

Thứ nhất, các quốc gia đều xây dựng một chính sách bảo hộ tổng thể cho tri thức truyền thống kết hợp giữa nhiều chính sách bảo hộ phòng thủ và tích cực. Tuy nhiên, tùy vào tính đặc thù của tri thức truyền thống bản địa và các chính sách riêng mà mỗi quốc gia có những lựa chọn mô hình riêng, theo đó: Ấn Độ lựa chọn việc tiếp cận bảo hộ các đối tượng tri thức truyền thống theo khía cạnh bảo tồn, chống lại việc thương mại hoá trái phép từ bên thứ ba, nổi tiếng với việc xây dựng cơ sở dữ liệu tri thức truyền thống và hệ thống SHTT để phản đối các sáng chế cấp trái phép có nguồn gốc từ tri thức truyền thống của Ấn Độ; Trung Quốc tập trung vào các cơ chế bảo hộ tích cực thông qua các chính sách bảo hộ đặc thù riêng (sui generis) và sử dụng hệ thống SHTT đối với sáng chế cho việc bảo tồn các bài thuốc cổ truyền; Peru lại tiếp cận bảo hộ tri thức truyền thống không chỉ trong nước mà còn phạm vi khu vực (Quyết định 486) trên cơ sở việc xây dựng sớm hệ thống bảo hộ riêng (sui generis) trong đạo Luật số 26839 nhằm chia sẻ quyền lợi cho người dân khi sử dụng nguồn nguồn gen đa sạng sinh học của người bản địa.

Thứ hai, hệ thống SHTT hiện nay không thể bảo vệ toàn diện cho các đối tượng tri thức truyền thống nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và khai thác tri thức truyền thống. Sự không toàn diện của pháp luật SHTT xuất phát từ một số đặc điểm không tương thích khi xác lập bảo hộ quyền SHTT đối với tri thức truyền thống, ví dụ: các bài thuốc cổ truyền thường khó vượt qua được điều kiện về tính mới, trình độ sáng tạo vì được coi là “tình trạng kỹ thuật đã biết” khi được sử dụng trong cộng đồng bản địa từ lâu (Ấn Độ tận dụng đặc điểm này để từ chối cấp và huỷ sáng chế từ cây Neem, ngũ cốc Basmati); vấn đề về bảo hộ có thời hạn trong SHTT có thể không tương thích với mục đích bảo hộ lâu dài của tri thức truyền thống; cũng như tính nguyên gốc của tri thức truyền thống thường khó đảm bảo trong đăng ký SHTT… Tuy vậy, hệ thống SHTT lại đóng vai trò quan trọng đối với các đối tượng tri thức truyền thống, ví dụ như: bảo hộ thông qua đối tượng sáng chế bài thuốc cổ truyền có khả năng bảo tồn và mang lại giá trị kinh tế lớn (khả năng thương mại hoá); bảo hộ thông qua đối tượng nhãn hiệu, hay chỉ dẫn địa lý có khả năng quảng bá, khai thác và phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương (ví dụ như trà Darjeeling, xoài Alphanso của Ấn Độ); bảo hộ và chia sẻ nguồn gen đa dạng sinh học từ tri thức truyền thống phù hợp qua việc bảo vệ giống cây trồng (Peru).

Thứ ba, các cơ chế bảo hộ tri thức truyền thống được xây dựng dựa trên việc đảm bảo lợi ích cho cộng đồng bản địa. Nguyên tắc này được thể hiện rất rõ trong các cơ chế bảo hộ của các quốc gia, cụ thể: Ấn Độ đặt ra vấn đề bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng bản địa dựa trên cơ sở thiết lập cơ chế phòng thủ chống lại việc cấp sáng chế trái phép bài thuốc cổ truyền và đồng thời mở rộng đăng ký các đối tượng SHTT (kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý) cũng như các sáng kiến bảo hộ tổng thể nhằm phát triển, quảng bá khuyến khích sự tham gia của cộng đồng nắm giữ tri thức. Trung Quốc thiết lập cơ chế bảo hộ riêng trong Quy định về bảo vệ các loại y học cổ truyền Trung Quốc năm 1992 và xây dựng cơ sở dữ liệu y học cổ truyền nhằm loại trừ việc đăng ký sáng chế có nguồn gốc từ tri thức truyền thống đảm bảo khả năng sử dụng các bài thuốc cổ truyền cho cộng đồng bản địa. Peru quy định cụ thể quy trình xin phép và cơ chế chia sẻ lợi ích thông qua mức phí bản quyền khi đàm phán li-xăng tri thức truyền thống nguồn gen sinh học trong Luật số 26839 về Bảo tồn và sử dụng Bền vững Đa dạng sinh học.

Từ những đánh giá thực trạng bảo hộ các quốc gia nêu trên, có thể rút ra những kinh nghiệm cụ thể cho Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống bảo hộ tri thức truyền thống hiện nay: (i) Cần tiếp cận bảo hộ các đối tượng tri thức truyền thống một cách tổng thể từ bảo hộ phòng thủ đến bảo hộ tích cực trong đó hệ thống SHTT đóng vai trò quan trọng; (ii) Các chính sách bảo hộ cần xây dựng dựa trên tính đặc thù của tri thức truyền thống riêng ở mỗi quốc gia và phù hợp các cam kết quốc tế; (iii) Đảm bảo chia sẻ quyền lợi cho cộng đồng bản địa là ưu tiên hàng đầu trong xây dựng chính sách bảo hộ.


Nguồn:Tạp chí Pháp luật & Phát triển Copy link

TIN LIÊN QUAN